Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2009

Nới biên độ tỷ giá thì khó quản lý?

Trên mạng có bài đăng ý kiến của  PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, trong đó có nêu:"Mặc dù đã có thời kỳ biên độ giao dịch tỷ giá được duy trì ở khoảng ±7 đến ±10, nhưng biên độ giao càng rộng càng phức tạp cho công tác quản lý vĩ mô. Do đó, thay vì điều chỉnh biên độ, nên điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng theo hướng nới rộng tỷ giá và thu hẹp biên độ sao cho phù hợp với những diễn biến của thị trường."
http://www.stox.vn/stox/view_news_detail/36096/1/186/chua-nen-noi-bien-do-ty-gia.stox

Thật là vui, ở Việt Nam chúng ta nhiều khi cứ không nói thật. Năng lực quản lý yếu kém nên cái gì cũng có khung, có trần (Ví dụ: biên độ tỷ giá, biên độ điều chỉnh giá xăng dầu, khung lãi suất TPCP....); và nói lái đi là khó cho quản lý.
Chẳng lẽ ở các nước người ta không có các loại biên độ này thì khó, thì kinh tế của người ta hỏng bét cả hay sao?! Trình độ quản lý chưa theo kịp yêu cầu nên mới sinh ra những rào cản, bó lại sự luân chuyển các dòng chảy kinh tế, tự hành chính hóa và làm méo mó quy luật phát triển là điều không nên làm.
Quản lý ngoại hối không có nghĩa là phải ban hành ra một cái tỷ giá nào đó để thị trường làm theo. Nếu theo vị chuyên gia khả kính này thì có nghĩa là nên thu hẹp biên độ khi ấy tỷ giá niêm yết giao dịch trên thị trường sẽ càng sát với tỷ giá do SBV công bố; nó càng làm cho tỷ giá được SBV công bố để quản lý càng trở nên méo mó hơn và gần như quay trở về việc nhà nước định giá cả hàng hóa ngày xưa; chẳng lẽ định quản lý cả nền kinh tế của khu vực và thế giới hay sao (vì tỷ giá nó biểu hiện mối quan hệ kinh tế và giá trị tương quan của đồng tiền các nền kinh tế với nhau) khi vẫn khư khư mãi quan điểm này? Buồn thay.

Phương Tây hắt hơi, phương Đông không còn sổ mũi?

Tuần Việt Nam của Vietnamnet có đăng bài "Phương Tây hắt hơi, phương Đông không còn sổ mũi?
http://vietnamnet.vn/thegioi/binhluan/2009/09/869235/

Ở đó có nhắc đến các nền kinh tế mới nổi và các nước phát triển theo 2 cực ĐÔNG-TÂY. Việt Nam mình thì chắc chắn ở phương Đông rồi. Nhưng ngẫm đi nghĩ lại thấy một điều quan trọng là muốn phát triển bền vững hay không, vượt qua khó khăn khủng hoảng hay không điều cốt yếu phải nhờ vào nội lực của mình. Việt Nam đã học tập từ nhiều nước, trong đó đặc biệt là Trung Quốc, nhưng tụt hậu có vẻ đang ngày càng xa hơn. Một nền kinh tế dựa vào tài nguyên và xuất khẩu thô là chủ yếu sẽ không thể bền vững được và NỘI LỰC của Việt Nam chủ yếu là dựa vào xuất khẩu tài nguyên mà thôi, giá trị gia tăng trong hàng hóa xuất khẩu thấp. Như vậy sẽ ngày càng phụ thuộc vào thế giới và không bền vững.
Trong bối cảnh hội nhập thế này, sự liên kết về tài chính giữa các quốc gia sẽ chặt chẽ hơn, và cứ thế không biết chừng mươi năm nữa, nếu nguồn lực con người còn chưa được xem trọng và khơi thông, thì khi bên ngoài hắt hơi, chắc kinh tế ViệtNam thành cảm, sốt và thậm chí còn hơn thế nữa.

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Điều lạ

Tự nhiên mấy hôm nay thấy rất băn khoăn, không hiểu tại sao báo chí trong nước vốn nhạy tin như thế, vậy mà việc Việt Nam bị đánh tụt hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI), một chỉ số rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập hiện nay, thì lại không hề thấy đưa tin gì. Phải chăng là có ai đó không muốn nhìn vào sự thật.
Chiều 11/9/2009, Diễn đàn kinh tế thế giới WEF cũng đã công bố về xếp hạng năng lực cạnh tranh của các nước, theo đó ViệtNam tiếp tục tụt 5 bậc, từ vị trí 70 xuống 75, trước đó Việt Nam tụt từ 64 năm 2006 xuống 68 năm 2007, xuống 70 năm 2008.
http://www.weforum.org/en/initiatives/gcp/Global%20Competitiveness%20Report/index.htm