Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009

Bàn thêm về nguyên nhân sụt giảm thanh khoản của các NHTM trong thời gian gần đây

Theo tôi thanh khoản của các banks giảm sút do mấy nguyên nhân sau đây:

1. Nợ xấu (và cả nợ quá hạn nữa) của các ngân hàng tăng lên (theo như tôi được biết, nếu như tại thời điểm tháng 8/2009, nợ xấu ngành ngân hàng khoảng 2,5% thì nay nó đã lên khoảng 3% và hơn nữa rồi); Nó tác động tới khả năng vốn và tài chính của ngân hàng trên cả 2 phương diện: (i) thu hồi nợ để tái quay vòng vốn tín dụng hoặc trả nợ vốn huy động đến hạn; (ii) tăng trích lập dự phòng rủi ro.

2. Các doanh nghiệp đang có thiên hướng vay vốn với kỳ hạn dài hơn trước đây (một phần vì gia tăng các hoạt động đầu tư cho sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư nó đòi hỏi kỳ hạn vốn dài hơn hoạt động thương mại, một phần vì vay vốn đầu tư kỳ hạn trung-dài hạn được Chính phủ hỗ trợ lãi suât theo chương trình kích cầu), trong khi nguồn vốn của các banks hiện tại chủ yếu là deposits với kỳ hạn ngắn (từ 12 tháng trở xuống). Nó tạo ra khe hở kỳ hạn, ảnh hưởng tới vấn đề thanh khoản.

3. Tiền gửi VND vào ngân hàng không nhiều do lãi suất chưa thật sự hấp dẫn vì lạm phát kỳ vọng cho 2010 là cao (gần đây nhiều chuyên gia cho rằng năm 2010 lạm phát 2 con số, khoảng 10% trở lên, please check); trong khi đó nạn đầu cơ các tài sản khác vẫn lớn;

4. Số lượng các NHTM (tôi muốn nói là Ngân hàng thương mại, ở các nước phát triển nó cũng nhiều ngân hàng nhưng nó đa dạng các loại hình ngân hàng chứ không phải toàn bộ là NHTM như VN); do đó nó làm phân tán nguồn tiền; mà NHTM nào cũng cố dành giật thị phần và muốn tăng trưởng quy mô tín dụng do hầu hết vẫn còn là quy mô nhỏ, cam kết cho vay lắm, đầu tư đa dạng lắm nhưng khả năng huy động vốn còn yếu do chỉ trông chờ vào mỗi deposits; hầu hết NHTM nào cũng muốn mình trở thành ngân hàng đa năng (universal bank) làm đủ mọi thứ. Chính vì thế NHTM nào cũng thiếu tiền. (Nhưng tôi cho rằng đây không phải là nguyên nhân chủ yếu). Nếu sau này một số ngân hàng chuyển hướng thành các ngân hàng chuyên biệt thì sẽ đỡ hơn.

5. Cầu về vốn tăng cao, tạo thêm áp lực thanh khoản đối với các NHTM. Sự gia tăng đầu tư và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh (cả ngắn hạn, trung-dài hạn) của các doanh nghiệp sau khủng hoảng đẩy nhu cầu vốn lên cao, trong khi NHNN lại đang thắt chặt lại, làm giảm khả năng cung ứng thêm tiền cho lưu thông, trong khi các cam kết tín dụng lại đã ký từ trước do tưởng có tiếp kích cầu II cho cả vốn ngắn hạn.

6. Vấn đề vòng quay của tiền (thực ra vấn đề vòng quay của tiền nó khá bao trùm lên những cái khác, những vấn đề khác trong 1 chừng mực nhất định chính là nguyên nhân về chuyện vòng quay của tiền giảm sút, ví dụ: nợ xấu cũng là nguyên nhân, nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất; mà nguyên nhân có thể đến từ nhiều thứ khác nhiều hơn 5 nội dung nêu trên)

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2009

Tiền đồng đi đâu?


Một số người bạn của tôi có đặt vấn đề là sao tiền VND khan hiếm thế, nó đi đâu mất rồi?
Có người nói rằng nó chạy sang Trung Quốc. Tôi cũng nghĩ như vậy nhưng như thế chưa đủ; thực tế nhập siêu hàng TQ của VN là rất lớn, trong đó hàng tiểu ngạch chiếm 1 phần quan trọng... Nhưng nó cũng không đủ lớn để hút hết VND sang TQ; hơn nữa, VND nó chạy sang TQ thì cũng chỉ là trong ngắn hạn mà thôi; bọn TQ sẽ lại vác VND sang VN để múc USD, khoáng sản, gái VN, dược liệu quý hiếm, lâm đặc sản... Như vậy, xét về hình thái vật chất của tiền VND thì nó chẳng chạy đi đâu xa được và cũng chẳng chạy đi đâu lâu được, có chăng sang TQ cũng chỉ là tạm thời mà thôi. Chúng ta quá rõ với nhau rằng VND chưa đạt được chức năng thanh toán quốc tế, chưa có vị thế của một đồng tiền chuyển đổi.

Tôi xin trao đổi, lý giải cho vấn đề này như sau:

Chúng ta nhiều khi cảm thấy nền kinh tế kém thanh khoản, ko hiểu tiền trong nền kinh tế đi đâu. Thực tế thì nó chẳng đi đâu cả; ngoài 1 phần tạm thời chạy sang TQ (nhưng đó chỉ là tạm thời thôi). Chúng ta cảm thấy thiếu tiền biểu hiện ở chỗ các giao dịch trong nền kinh tế không thực hiện được, đâu cũng thấy rất khó vay vốn.
Nó là vì một cái gọi là "velocity of money" (tôi ko biết dịch cái từ này ra là gì, tạm gọi nó là "vòng quay của tiền" đi, ở đây tạm viết tắt là VQCT). Công thức của nó như sau:

VQCT*Lượng tiền trong lưu thông = Giá trị danh nghĩa của tất cả các giao dịch trong nền kinh tế = P.Q        (**)

Nếu như trong nền kinh tế, VQCT càng lớn thì nó thể hiện có càng nhiều các giao dịch trong nền kinh tế được thực hiện, và khi đó nền kinh tế có sự thanh khoản tốt. Ngược lại, nếu VQCT càng thấp thì thể hiện thanh khoản càng thấp. Ví dụ 1 cách nôm na nông dân thế này: khi VQCT lớn, 1 ngày bạn có thể thực hiện được 3 giao dịch thương mại mua-bán nên bạn cảm thấy tiền quay về với bạn rất nhanh; nhưng khi VQCT nhỏ, 1 ngày may lắm mới thực hiện được 1 giao dịch nên có khi hôm nay mua nhưng phải mấy ngày sau mới lại thực hiện được 1 giao dịch bán, vì thế tiền nó chậm quay về với bạn

Đối với VN chúng ta, lượng tiền trong lưu thông không hề thấp đi trong năm 2009 bởi vì:

- Anh Ninh tuyên bố là tại thời điểm tháng 7/2009, chúng ta mới dùng 43% kế hoạch in thêm tiền để phục vụ tăng trưởng [[i]]. Như vậy tức là lượng tiền trong lưu thông tăng lên, vì dự trữ bắt buộc không có thay đổi tăng nào đáng kể.
- Tín dụng tăng trưởng ác liệt vượt cả mức 30% mà Anh Giàu đưa ra cơ mà, đến hết tháng 11 đã là 36% rồi.

Trong khi đó, nền kinh tế của chúng ta mới bắt đầu qua đáy khủng hoảng, tăng trưởng chưa được bao nhiêu cả, sản lượng tăng thêm chưa thực sự nhiều; giá trị danh nghĩa của các giao dịch trong nền kinh tế có tăng cũng chủ yếu do giá cả tăng.

Như vậy, từ phương trình (**) nêu trên chúng ta rút ra rằng vấn đề chính là do VQCT giảm sút, thể hiện sự không sôi động của nền kinh tế, làm cho chúng ta cảm thấy không biết tiền đi đâu. Vậy nguyên nhân nào làm kém sự sôi động này? Theo tôi có mấy nguyên nhân sau đây:
-          Một là, do sự đầu cơ của nền kinh tế: Ngày càng nhiều doanh nghiệp và cá nhân/hộ gia đình vác tiền đi đầu cơ (Ví dụ: Vàng, USD, bất động sản…); dẫn đến các tài sản này, dù không tham gia vào sản xuất sản phẩm cho xã hội một cách trực tiếp, do bị đầu cơ nên đọng vào một chỗ, làm thiếu hụt 1 lượng hàng hóa trong giao dịch của nền kinh tế => nền kinh tế kém sôi động… Điều này theo tôi là đặc biệt đúng đối với lĩnh vực BĐS ở VN. (Và điều quan trọng là , bởi vì vàng, USD, BĐS… không được tính trong công thức nêu trên (công thức (**)), nhưng nó vẫn cần VND để giao dịch nên nó hút một lượng lớn đáng kể VND do gia tăng sự đầu cơ vào lĩnh vực này, mà đã là hiện tượng đầu cơ thì nó sẽ chỉ loanh quanh trong lĩnh vực đó mà thôi, chủ yếu là thế; người ta có thể bán đất đai mua ôtô nhưng cũng chỉ mua 1-2 cái là cùng, còn nhà đất thì có thể có tới vài chục cái, và VND nó cứ luẩn quẩn như thế giữa các nhóm đầu cơ và các nhà đầu tư trong cái lĩnh vực ấy của nền kinh tế, tạo nên các bong bóng tài sản). Chính nó làm cho 1 lượng lớn tiền không đi vào sản xuất để tạo ra của cải cho xã hội.
-          Nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên (kiểu như VN) sẽ bị ảnh hưởng nặng khi thiên tai bão lũ nhiều khiến việc khai thác tài nguyên (Than, khoáng sản, nước… ) bị ảnh hưởng gián đoạn; trong một số trường hợp khi tài nguyên bị cạn kiệt sẽ dẫn đến thiếu hụt cung nguyên liệu cho sản xuất, dẫn đến hạn chế sự quay vòng của đồng tiền. 
-          Quá trình kiểm soát thiếu bài bản của NHNN khi chỉ đơn thuần đưa ra 1 tỷ lệ rất hành chính về tăng trưởng tín dụng (30%, sau đó hứng lên bảo là 25%-27%, 2 tuần sau lại bảo là quay về 30%, nhưng do kích cầu nên các NHTM nó phi dư nợ lên hơn 30%, đến hết tháng 11 là khoảng 36% [[ii]]), cuối quý IV thi nhau bảo phải ép dư nợ xuống. Oái oăm là ở chỗ trước đó có thông tin từ phía Chính phủ bảo rằng sẽ tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với cho vay ngắn hạn đến hết Quý I/2010 [[iii]], nên nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng tạm trữ nguyên liệu cho sản xuất hoặc đầu cơ hàng hóa, các NHTM cũng không sợ lắm bị phanh hạn mức. Đến khi Chính phủ bất thình lình tuyên bố ngược lại là không hỗ trợ lãi suất ngắn hạn nữa [[iv]] và NHNN bắt đầu thắt chặt tín dụng, các NHTM phải giảm dư nợ, giảm hạn mức, thế là các doanh nghiệp không vay được tiền nữa vì tổng hạn mức bị giảm, một phần hạn mức trước đó đã vào tạm trữ/đầu cơ nguyên liệu các loại mất rồi. Do đó các doanh nghiệp thiếu tiền, không đẩy mạnh sản xuất được, sản lượng hàng hóa của nền kinh tế kém đi, các giao dịch của nền kinh tế giảm sút, dẫn đến sự kém thanh khoản và cảm giác thiếu tiền như chúng ta đang thấy.
-          Một phần VND tạm thời chạy sang TQ như trên có nói.

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2009

Bơm tiền ???

Trung tuần tháng 12, Thống đốc NHNN tuyên bố rằng không có chuyện bơm tiền cho các ngân hàng.
http://vovnews.vn/Home/Khong-co-chuyen-bom-tien-cho-cac-ngan-hang/200912/129258.vov

Nhưng Thống đốc không thấy nói rằng NHNN đã mua vào hay bán ra các giấy tờ có giá từ các NHTM trong thời gian này.
Trong khi đó, Artex dẫn nguồn thống kê từ Bloomberg về nghiệp vụ trên thị trường mở, từ ngày 1/12 đến ngày 8/12, NHNN đã mua vào các giấy tờ có giá từ các NHTM với giá trị là 29.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 8%/năm. (http://www.bsc.com.vn/News/2009/12/16/74671.aspx)

Thật là hài hước.
Các hoạt động thị trường mở (OMOs) thực chất là một trong các công cụ/cách thức điều tiết cung tiền đối với nền kinh tế. Khi NHNN mua các giấy tờ có giá tức là bơm tiền rồi (về kinh tế học là như vậy); thế mà vẫn khẳng định là không bơm tiền. Nếu như NHNN mua vào giấy tờ có giá của ngân hàng này và bán ra giấy tờ có giá cho ngân hàng kia thì còn có lý, đằng này chẳng có công bố nào về việc bán ra giấy tờ có giá hay gì cả.
Thà không tuyên bố gì thì thôi, hoặc cho rằng OMOs là hoạt động bình thường mang tính ngắn hạn và tuyên bố cho nó đầy đủ. Đằng này...
Chán thật

Tiếp tục ???

Sau một thời gian không cập nhật Blog vì rất nhiều lý do (mặc dù vẫn tích cực nghiên cứu), trong đó có những vấn đề liên quan đến công việc và quan ngại đến QĐ97; tôi thấy mình cần tiếp tục... Dưới đây là lược trích 1 kết quả nghiên cứu hồi đầu tháng 12/2009 khi đang ở Washington D.C
-------------------------------------------------------------------

Washington D.C, ngày 02/12/2009
 

1. Lãi suất:
- Ngay sau khi NHNN điều chỉnh lãi suất cơ bản, từ ngày 01/12/2009, các NHTM đã điều chỉnh lãi suất và lãi suất cho vay đã đạt mức trần; Lãi suất huy động cũng đã điều chỉnh nhưng chưa thực sự mạnh và các kỳ hạn bắt đầu giãn mức lãi suất ra so với trước thời điểm NHNN điều chỉnh lãi suất cơ bản. Tất cả các NHTM đều đã điều chỉnh lãi suất cho vay lên trần (12%), độ lệch lãi suất (Lợi nhuận biên tín dụng - Net interest Margin (NIM)) được nới ra tạo điều kiện cải thiện về lợi nhuận trong hoạt động tín dụng. Tình hình này cho thấy một điều chắc chắn rằng: Thanh khoản của các NHTM chưa được cải thiện (vì lãi suất cho vay tăng lên là chủ yếu chứ chưa tăng nhiều về lãi suất huy động nên vốn vào thêm chưa đáng kể) và như vậy các NHTM đang thiên về tính toán lợi ích trước mắt, cốt gia tăng lợi nhuận (vì điều chỉnh cả lãi suất trên dư nợ) nhằm cải thiện bảng cân đối tài chính cuối năm, đáp ứng yêu cầu của cổ đông và làm đẹp báo cáo thường niên, báo cáo cuối năm.
- Bản chất thiếu vốn của nền kinh tế chưa được cải thiện, thể hiện ở:
+ Đường cong lợi suất trái phiếu đang tiếp tục tăng cao (xem Hình); và TPCP phát hành không được;
+ Lãi suất trần vẫn thấp hơn lãi suất kỳ vọng
+ Giải ngân FDI đạt thấp, kiều hối chưa mạnh mẽ
+ Giá vàng và USD lên cao hút 1 lượng lớn vốn của dân cư
 

Vấn đề là ở chỗ các NHTM đang và sẽ phải giải quyết vấn đề vốn cho vòng quay tín dụng mới của năm 2010; khi đó bắt đầu trong một giới hạn mới, từ đầu năm phải tìm cách cạnh tranh ngay để giữ vững/mở rộng thị phần huy động và cho vay (Dư nợ của nền kinh tế vẫn phải tăng lên chứ không giảm đi; tức là đòi hỏi thêm nhiều vốn); nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng dữ dội và bất ổn như hiện nay (vấn đề bất ổn xin báo cáo thêm ở phần sau).
Từ phân tích này, chúng tôi cho rằng vấn đề thanh khoản của các NHTM chưa được cải thiện và như vậy nó vẫn đang âm ỉ, hứa hẹn những bước tăng lãi suất tiếp theo trong thời gian tới đây (Quý I/2010); xin giữ nguyên dự báo về khả năng xảy ra “hiệu ứng tuyết lăn” đối với lãi suất thị trường.

2. Tỷ giá:
Mặc dù báo chí loan tin 8 NHTM lớn bắt tay bình ổn tỷ giá [[1]]. Song chúng tôi cho rằng đây là hoạt động theo chỉ đạo của NHNN; nó sẽ chỉ có tác động tâm lý nhất thời mà thôi, bởi vì: Chẳng có Ngân hàng nào in được USD. USD phải từ hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế hoặc từ vốn FDI, kiều hối hoặc vay nợ từ nước ngoài của Chính phủ và tư nhân. Nhưng thực tế là:
+ Nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế VN vẫn cao và không hề thuyên giảm, đó là nhu cầu nhập khẩu hàng hoá đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu; xăng dầu, thiết bị máy móc... Nhập siêu đang tiếp tục lớn dần (nghĩa là chảy USD ra ngoài nước), đến nay đã đạt tới mức trên 20% kim ngạch xuất khẩu; Tức là cơn khát USD vẫn còn đó và sẽ còn tăng.
+ Nguồn USD sẵn có dự trữ của các NHTM không nhiều; vì nếu nhiều thì thời gian vừa qua không đến mức không bán USD ra và luôn đòi thêm phí rất cao lách trần tỷ giá của NHNN. Vì thế khả năng bình ổn là không thực tế.
+ Giải ngân FDI (9 tỷ USD) và kiều hối (khoảng 5-6 tỷ USD) năm 2009 và 2010 không bứt phá do kinh tế thế giới chưa phục hồi.
+ NHNN đang phải tăng tích trữ USD để cải thiện dự trữ ngoại hối (vừa qua dự trữ ngoại hối sụt giảm từ 23 tỷ USD xuống còn 16,5 tỷ USD); Do đó, chính NHNN đang cạnh tranh với khu vực tư nhân về USD; vì vậy khả năng bình ổn là rất hạn chế bởi cung USD thực tế bị hạn chế, bị NHNN hút vào.
+ Năm 2010 Chính phủ đặt mục tiêu chi tiêu công rất lớn, do vâỵ sẽ tạo thêm sức ép lên nhập khẩu và tăng nhập siêu, hun thêm sức nóng cho cơn khát USD.
+ Luôn tồn tại lý thuyết trò chơi trong kinh tế học; hiện tại chỉ là 8 NHTM chứ không phải là gần 100 NHTM, sẽ luôn có tình trạng các NHTM nhìn nhau và ganh tỵ/sợ thiệt; do đó cuộc chơi sẽ tự bị chính các tay chơi phá luật.
Do vậy, chúng tôi cho rằng tỷ giá USD vẫn đang âm ỉ và lại tích luỹ chờ tiếp tục tăng trong những ngày cuối năm 2009 và quý I/2010.
3. Sự bất ổn của nền kinh tế:
- Sự bất ổn về điều hành và Tính "kém khả tín" đối với một số lãnh đạo cấp cao và cơn bão tin đồn:
+ Vấn đề này quá rõ khi nhân dân và các nhà đầu tư nước ngoài được nghe khẳng định rằng không phá giá đồng tiền, giữ nguyên lãi suất cơ bản... nhưng thực tế lại không như vậy. Nó tạo tâm lý bất an và châm thêm ngòi cho các tin đồn; tính thiếu minh bạch của nền kinh tế cũng làm tăng thêm đất cho tin đồi nảy nở. Và các tin đồn ấy làm cho môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà đầu tư cá nhân, kinh tế hợp tác, cá thể và hộ gia đình thấy bất an và niềm tin kinh doanh bị xói mòn…
+ Riêng vấn đề phá giá đồng tiền và tăng lãi suất cơ bản bất thình lình ngược với tuyên bố của các lãnh đạo cao cấp trước đó chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị tiền vốn (Book value) của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt đầu tư tài chính vào trái phiếu, cổ phiếu, hoặc đang trong quá trình giải ngân... Cứ như vậy, huy động trái phiếu sẽ ngày càng khó khăn hơn. Chúng tôi cho rằng việc tăng tỷ giá là đúng song cơ quan thẩm quyền đã hành động rất không đúng lúc và rất muộn màng, đây là thời điểm cuối năm rất nhiều quỹ đầu tư phải báo cáo giá trị sổ sách, thị giá về bản quốc (cả nội tệ và quy về ngoại tệ); giá trị (theo thị giá) tự nhiên sụt giảm 5,4%; và khó có thể xoay chuyển trong những ngày đông còn lại ngắn ngủi này. Sự sụt giảm gần đây (dự báo đến hết năm 2009) của thị trường chứng khoán trong đó có một phần là nguyên nhân này, vì người ta sẽ ưa thích bán chứng khoán hoặc không thích mua chứng khoán nữa để lấy VND chuyển thành USD càng sớm càng tốt; một số phiên gần đây nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhưng khối lượng mua ròng lại quá nhỏ bé, và thấy ngày càng ít sự tham gia mua của các quỹ đầu tư lớn (Nguyên nhân chính vẫn là lo ngại về sự thắt chặt tiền tệ). Đối với FDI, có lẽ cũng vì thế, giải ngân FDI sẽ chững lại đến đầu năm 2010.
+ Các tin đồn ngày càng nhiều và nhiều tin trong đó không có cơ sở:
          * Đổi tiền?: Không thể vì nền kinh tế mở, nó ảnh hưởng tới tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài; sẽ dẫn đến tháo chạy vốn và lập tức rơi vào khủng hoảng thanh toán, có thể ảnh hưởng tới cả chế độ/thể chế hiện thời.
          * Phát hành tiền mệnh giá 1 triệu VND?: Người viết nghĩ rằng việc này chẳng giải quyết được vấn đề lạm phát, và nếu có nó chỉ thuận lợi trong mua bán, sinh hoạt của người dân mà thôi; do đó không khả tín; hơn nữa vấn đề in tiền và chất lượng tiền đang rất bức xúc trong dư luận, chắc không ai khơi ra để làm phức tạp thêm tình hình.
          * Tăng lãi suất cơ bản?: Chúng tôi dự báo sẽ tăng tiếp lãi suất cơ bản trong quý I/2010 (chứ không phải năm 2009) với các mốc có thể là 8,5% hoặc 9%; nhưng nếu có, thì việc tăng dự trữ bắt buộc VND và giảm dự trữ bắt buộc USD sẽ được thực hiện trước.
          * Phát hành tín phiếu bắt buộc (gần giống năm 2008)?: Chắn chắn không xảy ra vì chỉ làm thế trong trường hợp khẩn cấp; hiện tại nếu làm thế nó chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề thanh khoản của các NHTM và làm rối thêm sự luôn chuyển các luồng vốn trong nền kinh tế trong khi các NHTM đang kém thanh khoản (năm 2008 có bài học là NHNN lại phải bơm vốn cho các NHTM này).
- Sự bất ổn trong cán cân thanh toán (trong đó có bất ổn về dự trữ ngoại hối quốc gia và bất ổn về cán cân thương mại), bất ổn trong cân đối ngân sách quốc gia, bất ổn về chủ quyền lãnh thổ (hình như thế, không biết có phải không nữa), về các cấu trúc của nền kinh tế  (kể cả cấu trúc liên ngành và khu vực, thực tế VN có 64 tỉnh thành thì đó là 64 nền kinh tế), mô hình phát triển kinh tế, môi trường kinh doanh bao gồm cả vấn đề cơ sở hạ tầng, bất ổn về nguồn nhân lực xã hội...