Thứ Năm, 17 tháng 12, 2009

Tiếp tục ???

Sau một thời gian không cập nhật Blog vì rất nhiều lý do (mặc dù vẫn tích cực nghiên cứu), trong đó có những vấn đề liên quan đến công việc và quan ngại đến QĐ97; tôi thấy mình cần tiếp tục... Dưới đây là lược trích 1 kết quả nghiên cứu hồi đầu tháng 12/2009 khi đang ở Washington D.C
-------------------------------------------------------------------

Washington D.C, ngày 02/12/2009
 

1. Lãi suất:
- Ngay sau khi NHNN điều chỉnh lãi suất cơ bản, từ ngày 01/12/2009, các NHTM đã điều chỉnh lãi suất và lãi suất cho vay đã đạt mức trần; Lãi suất huy động cũng đã điều chỉnh nhưng chưa thực sự mạnh và các kỳ hạn bắt đầu giãn mức lãi suất ra so với trước thời điểm NHNN điều chỉnh lãi suất cơ bản. Tất cả các NHTM đều đã điều chỉnh lãi suất cho vay lên trần (12%), độ lệch lãi suất (Lợi nhuận biên tín dụng - Net interest Margin (NIM)) được nới ra tạo điều kiện cải thiện về lợi nhuận trong hoạt động tín dụng. Tình hình này cho thấy một điều chắc chắn rằng: Thanh khoản của các NHTM chưa được cải thiện (vì lãi suất cho vay tăng lên là chủ yếu chứ chưa tăng nhiều về lãi suất huy động nên vốn vào thêm chưa đáng kể) và như vậy các NHTM đang thiên về tính toán lợi ích trước mắt, cốt gia tăng lợi nhuận (vì điều chỉnh cả lãi suất trên dư nợ) nhằm cải thiện bảng cân đối tài chính cuối năm, đáp ứng yêu cầu của cổ đông và làm đẹp báo cáo thường niên, báo cáo cuối năm.
- Bản chất thiếu vốn của nền kinh tế chưa được cải thiện, thể hiện ở:
+ Đường cong lợi suất trái phiếu đang tiếp tục tăng cao (xem Hình); và TPCP phát hành không được;
+ Lãi suất trần vẫn thấp hơn lãi suất kỳ vọng
+ Giải ngân FDI đạt thấp, kiều hối chưa mạnh mẽ
+ Giá vàng và USD lên cao hút 1 lượng lớn vốn của dân cư
 

Vấn đề là ở chỗ các NHTM đang và sẽ phải giải quyết vấn đề vốn cho vòng quay tín dụng mới của năm 2010; khi đó bắt đầu trong một giới hạn mới, từ đầu năm phải tìm cách cạnh tranh ngay để giữ vững/mở rộng thị phần huy động và cho vay (Dư nợ của nền kinh tế vẫn phải tăng lên chứ không giảm đi; tức là đòi hỏi thêm nhiều vốn); nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng dữ dội và bất ổn như hiện nay (vấn đề bất ổn xin báo cáo thêm ở phần sau).
Từ phân tích này, chúng tôi cho rằng vấn đề thanh khoản của các NHTM chưa được cải thiện và như vậy nó vẫn đang âm ỉ, hứa hẹn những bước tăng lãi suất tiếp theo trong thời gian tới đây (Quý I/2010); xin giữ nguyên dự báo về khả năng xảy ra “hiệu ứng tuyết lăn” đối với lãi suất thị trường.

2. Tỷ giá:
Mặc dù báo chí loan tin 8 NHTM lớn bắt tay bình ổn tỷ giá [[1]]. Song chúng tôi cho rằng đây là hoạt động theo chỉ đạo của NHNN; nó sẽ chỉ có tác động tâm lý nhất thời mà thôi, bởi vì: Chẳng có Ngân hàng nào in được USD. USD phải từ hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế hoặc từ vốn FDI, kiều hối hoặc vay nợ từ nước ngoài của Chính phủ và tư nhân. Nhưng thực tế là:
+ Nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế VN vẫn cao và không hề thuyên giảm, đó là nhu cầu nhập khẩu hàng hoá đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu; xăng dầu, thiết bị máy móc... Nhập siêu đang tiếp tục lớn dần (nghĩa là chảy USD ra ngoài nước), đến nay đã đạt tới mức trên 20% kim ngạch xuất khẩu; Tức là cơn khát USD vẫn còn đó và sẽ còn tăng.
+ Nguồn USD sẵn có dự trữ của các NHTM không nhiều; vì nếu nhiều thì thời gian vừa qua không đến mức không bán USD ra và luôn đòi thêm phí rất cao lách trần tỷ giá của NHNN. Vì thế khả năng bình ổn là không thực tế.
+ Giải ngân FDI (9 tỷ USD) và kiều hối (khoảng 5-6 tỷ USD) năm 2009 và 2010 không bứt phá do kinh tế thế giới chưa phục hồi.
+ NHNN đang phải tăng tích trữ USD để cải thiện dự trữ ngoại hối (vừa qua dự trữ ngoại hối sụt giảm từ 23 tỷ USD xuống còn 16,5 tỷ USD); Do đó, chính NHNN đang cạnh tranh với khu vực tư nhân về USD; vì vậy khả năng bình ổn là rất hạn chế bởi cung USD thực tế bị hạn chế, bị NHNN hút vào.
+ Năm 2010 Chính phủ đặt mục tiêu chi tiêu công rất lớn, do vâỵ sẽ tạo thêm sức ép lên nhập khẩu và tăng nhập siêu, hun thêm sức nóng cho cơn khát USD.
+ Luôn tồn tại lý thuyết trò chơi trong kinh tế học; hiện tại chỉ là 8 NHTM chứ không phải là gần 100 NHTM, sẽ luôn có tình trạng các NHTM nhìn nhau và ganh tỵ/sợ thiệt; do đó cuộc chơi sẽ tự bị chính các tay chơi phá luật.
Do vậy, chúng tôi cho rằng tỷ giá USD vẫn đang âm ỉ và lại tích luỹ chờ tiếp tục tăng trong những ngày cuối năm 2009 và quý I/2010.
3. Sự bất ổn của nền kinh tế:
- Sự bất ổn về điều hành và Tính "kém khả tín" đối với một số lãnh đạo cấp cao và cơn bão tin đồn:
+ Vấn đề này quá rõ khi nhân dân và các nhà đầu tư nước ngoài được nghe khẳng định rằng không phá giá đồng tiền, giữ nguyên lãi suất cơ bản... nhưng thực tế lại không như vậy. Nó tạo tâm lý bất an và châm thêm ngòi cho các tin đồn; tính thiếu minh bạch của nền kinh tế cũng làm tăng thêm đất cho tin đồi nảy nở. Và các tin đồn ấy làm cho môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà đầu tư cá nhân, kinh tế hợp tác, cá thể và hộ gia đình thấy bất an và niềm tin kinh doanh bị xói mòn…
+ Riêng vấn đề phá giá đồng tiền và tăng lãi suất cơ bản bất thình lình ngược với tuyên bố của các lãnh đạo cao cấp trước đó chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị tiền vốn (Book value) của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt đầu tư tài chính vào trái phiếu, cổ phiếu, hoặc đang trong quá trình giải ngân... Cứ như vậy, huy động trái phiếu sẽ ngày càng khó khăn hơn. Chúng tôi cho rằng việc tăng tỷ giá là đúng song cơ quan thẩm quyền đã hành động rất không đúng lúc và rất muộn màng, đây là thời điểm cuối năm rất nhiều quỹ đầu tư phải báo cáo giá trị sổ sách, thị giá về bản quốc (cả nội tệ và quy về ngoại tệ); giá trị (theo thị giá) tự nhiên sụt giảm 5,4%; và khó có thể xoay chuyển trong những ngày đông còn lại ngắn ngủi này. Sự sụt giảm gần đây (dự báo đến hết năm 2009) của thị trường chứng khoán trong đó có một phần là nguyên nhân này, vì người ta sẽ ưa thích bán chứng khoán hoặc không thích mua chứng khoán nữa để lấy VND chuyển thành USD càng sớm càng tốt; một số phiên gần đây nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhưng khối lượng mua ròng lại quá nhỏ bé, và thấy ngày càng ít sự tham gia mua của các quỹ đầu tư lớn (Nguyên nhân chính vẫn là lo ngại về sự thắt chặt tiền tệ). Đối với FDI, có lẽ cũng vì thế, giải ngân FDI sẽ chững lại đến đầu năm 2010.
+ Các tin đồn ngày càng nhiều và nhiều tin trong đó không có cơ sở:
          * Đổi tiền?: Không thể vì nền kinh tế mở, nó ảnh hưởng tới tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài; sẽ dẫn đến tháo chạy vốn và lập tức rơi vào khủng hoảng thanh toán, có thể ảnh hưởng tới cả chế độ/thể chế hiện thời.
          * Phát hành tiền mệnh giá 1 triệu VND?: Người viết nghĩ rằng việc này chẳng giải quyết được vấn đề lạm phát, và nếu có nó chỉ thuận lợi trong mua bán, sinh hoạt của người dân mà thôi; do đó không khả tín; hơn nữa vấn đề in tiền và chất lượng tiền đang rất bức xúc trong dư luận, chắc không ai khơi ra để làm phức tạp thêm tình hình.
          * Tăng lãi suất cơ bản?: Chúng tôi dự báo sẽ tăng tiếp lãi suất cơ bản trong quý I/2010 (chứ không phải năm 2009) với các mốc có thể là 8,5% hoặc 9%; nhưng nếu có, thì việc tăng dự trữ bắt buộc VND và giảm dự trữ bắt buộc USD sẽ được thực hiện trước.
          * Phát hành tín phiếu bắt buộc (gần giống năm 2008)?: Chắn chắn không xảy ra vì chỉ làm thế trong trường hợp khẩn cấp; hiện tại nếu làm thế nó chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề thanh khoản của các NHTM và làm rối thêm sự luôn chuyển các luồng vốn trong nền kinh tế trong khi các NHTM đang kém thanh khoản (năm 2008 có bài học là NHNN lại phải bơm vốn cho các NHTM này).
- Sự bất ổn trong cán cân thanh toán (trong đó có bất ổn về dự trữ ngoại hối quốc gia và bất ổn về cán cân thương mại), bất ổn trong cân đối ngân sách quốc gia, bất ổn về chủ quyền lãnh thổ (hình như thế, không biết có phải không nữa), về các cấu trúc của nền kinh tế  (kể cả cấu trúc liên ngành và khu vực, thực tế VN có 64 tỉnh thành thì đó là 64 nền kinh tế), mô hình phát triển kinh tế, môi trường kinh doanh bao gồm cả vấn đề cơ sở hạ tầng, bất ổn về nguồn nhân lực xã hội...


1 nhận xét: