Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

Tăng trưởng năm 2009 và triển vọng 2010





1. Tăng trưởng năm 2009:
Năm 2009, sau khi 3 quý đạt kết quả tiến bộ với các chỉ số tăng trưởng GDP hàng quý liên tục tăng và đạt mức 4,59% trong 9 tháng đầu năm. Quí I, GDP chỉ đạt 3,1%;  quí II, GDP đạt 4,46% và quí III, GDP đạt 5,76%. Tính chung 9 tháng đầu năm GDP của cả nước đạt 4,59%. Chính phủ đang thể hiện niềm tin cao độ sẽ hoàn thành kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2009 ở mức 5%-5,5% GDP năm 2009.
Một số dự báo của Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam các năm 2009 và 2010 sẽ ở các mức như sau:

Chính phủ cũng đưa ra tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2006 – 2010 dự kiến đạt khoảng 6,9%/năm. Như vậy, dù theo dự báo nào thì chúng ta cũng thấy rằng Việt Nam không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 7,5%–8% cho cả giai đoạn và đều thấp hơn nhiều so với mức kế hoạch này, kể cả theo dự báo/dự kiến ở mức rất cao của Chính phủ Việt Nam. Những hệ lụy của năm 2008, đan xen giữa “nóng” của lạm phát trong 9 tháng đầu năm và “lạnh” của thiểu phát trong 3 tháng cuối năm 2008 đã và vẫn đang thể hiện sự suy giảm kinh tế trong năm 2009 (so cuối các năm với nhau thì rõ ràng là giảm). Nhưng các quý trong năm 2009 đã tăng dần lên và như vậy, niềm tin về nền kinh tế đã và đang qua đáy đã được khẳng định.
Với các dự báo trên, chính phủ đã dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2006 – 2010 dự kiến đạt khoảng 6,9%/ năm, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 5 năm cũng không đạt kế hoạch 16%. Năm 2009 chỉ tiêu này ước đạt âm 9,9% và năm 2010 dự kiến đạt 6%. Hai trong số 7 chỉ tiêu về kinh tế được dự báo vượt yêu cầu là tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội (40% GDP) và tỷ lệ huy động GDP hàng năm vào ngân sách Nhà nước (21 - 22%). Nhiều chỉ tiêu về môi trường giảm sút nghiêm trọng [[1]]
Trong nhiều chỉ tiêu, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến 3 chỉ tiêu là mức huy động vốn đầu tư, cán cân thương mại (xuất nhập khẩu) và lạm phát, cụ thể:
-         Việt Nam là nền kinh tế dựa vào xuất khẩu với giá trị xuất khẩu hàng năm chiếm tới trên 70%. Vì vậy, sự biến động trong cán cân thương mại là đặc biệt quan trọng. Nó cũng dựa trên một tiền đề lý luận và thực tiễn rất căn bản của Việt Nam rằng: chừng nào kinh tế thế giới phục hồi thì kinh tế Việt Nam mới phát triển mạnh được, vì khi đó xuất khẩu Việt Nam mới đẩy mạnh được về lượng và giá trị, trong đó giá trị mới là quan trọng. Trong 9 tháng, Xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tăng về lượng, còn giá xuất khẩu chưa tăng do tổng cầu của nền kinh tế thế giới (đặc biệt là Mỹ) chưa phục hồi; do đó, khó khăn vẫn còn nhiều ở phía trước.
 
-         Tăng trưởng cũng chủ yếu dựa vào vốn đầu tư với tỷ lệ vốn/GDP luôn cao ở mức trên 40% trong những năm gần đây, phản ánh sự phụ thuộc vào vốn trong khi chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư nhìn chung còn thấp (ICOR cao).
-         Một vấn đề nữa rất quan trọng đã được bàn luận nhiều, là lạm phát. Tháng 8 và tháng 9/2009, chỉ số giá (CPI) đã tăng lên đáng kể, phản ánh mối lo lạm phát do cung tín dụng tăng mạnh (kể cả việc in thêm tiền); do đó, hoàn toàn có cơ sở để lo lắng về lạm phát trong năm 2010. Tính đến hết tháng 09/2009, tín dụng toàn ngành ngân hàng đã tăng 28% [[2]]. Lạm phát luôn là một chỉ số vĩ mô quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt ở các nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam.


Để làm cơ sở cho các phân tích và dự báo tiếp theo, chúng ta điểm qua một số dự báo của NHPT đã khá chính xác từ đầu năm 2009 đến nay, đó là: (i) diễn biến tăng lãi suất trên cả thị trường vốn và thị trường tiền tệ (sát trần); (ii) khó huy động vốn trái phiếu do cung vượt cầu quá xa trong khi lãi suất tăng nhưng chưa đủ hấp dẫn (phát hành liên tục nhưng không thành công); (iii) tỷ giá tăng không ngừng nghỉ dù mức tăng là không cao nhưng rất chắc chắn, chỉ tăng chứ không có giảm (tỷ giá bình quân liên ngân hàng đến nay tăng khoảng 2,5%, ngày 03/10/2009 đã lại tiếp tục thiết lập đỉnh cao mới về tỷ giá trên thị trường chính thức); (iv) giá vàng vẫn ở mức cao và nó hút/găm giữ một lượng vốn quan trọng của nền kinh tế (giá vàng tăng khoảng 40%).
Vấn đề không phải là ở chỗ chúng ta dự báo đúng hay sai mà khi kiểm nhận lại các diễn biến này trong một quá trình, nó thể hiện rằng các mức về lãi suất, tỷ giá này đang ở mức rất cao trong so sánh tương quan với “trần” mà nhà nước cho phép, phản ánh rằng lực ép về cầu đã căng lên đáng kể trong khi cung chưa được cải thiện và cánh cung bứt phá đang tiếp tục căng lên nhưng vẫn trong sức níu kéo dây cung của các cơ quan quản lý nhà nước (giữ các biên độ và ràng buộc lãi suất danh nghĩa).
2. Dự báo Quý IV/2009 và đầu năm 2010:
2.1. Lãi suất và tỷ giá tăng:
          Theo lý thuyết về kinh tế vĩ mô, thâm hụt trong tài khoản vãng lai đang tăng lên, nó phản ánh sự liên hệ đẳng thức giữa độ lệch tiết kiệm-đầu tư. Cầu về vốn sẽ ngày càng tăng lên, do đó lãi suất tăng lên là điều không tránh khỏi. Trong bối cảnh tín dụng tăng khá cao trong 9 tháng (26%-27%), nó sẽ tạo áp lực phải thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, và như vậy NHNN sẽ phải tính đến bài tăng lãi suất. Để ý rằng lãi suất cơ bản (7%) đã được níu giữ trong 9 tháng nay và trong suốt mấy năm qua, đây là mức lãi suất rất thấp trong lịch sử, khó có thể giữ nguyên mãi và càng khó xuống thấp hơn.
 
Tỷ giá sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn này nhưng đà tăng sẽ không còn mạnh như hồi đầu năm 2009 do các yếu tố về nhập siêu và lạm phát trong nước (ngày 03/10/2009,  NHNN công bố mức mới của tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng (16.995 VND/USD). Theo đó, kỷ lục mới vừa lập hôm 02/10/2009 đã chính thức bị phá vỡ; đẩy tỷ giá USD/VND trên thị trường chính thức lên mức cao nhất trong lịch sử (17.844 VND/USD). Việc tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại lên đến khoảng 18200 VND/USD sẽ rất dễ xảy ra trong năm 2010. [[3]]
2.2. Nhập siêu tăng lên:
          Khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu đầu tư tăng lên sẽ dẫn đến nhập khẩu tăng lên do khả năng của nền kinh tế chưa đáp ứng được cầu này, điều này đặc biệt đúng với Việt Nam, giá trị nhập khẩu luôn ở mức rất cao (trung bình giai đoạn 2006-2008 là hơn 80%GDP), nhập siêu bình quân giai đoạn 2006-2008 là 14% GDP, riêng năm 2008 lên tới gần 20% GDP.
Đặc biệt trong bối cảnh các chỉ số về cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam mới đây lại tụt 5 bậc, việc neo tỷ giá như hiện tại khiến VND bị đánh giá quá cao cũng phương hại đến xuất khẩu. Sự thâm hụt thương mại tăng lên sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên lãi suất nhằm thu hút thêm vốn, tìm kiếm thêm thặng dư trong cán cân vốn để bù đắp thiếu hụt cho cán cân thanh toán.
2.3. Lạm phát tăng lên:
          Do tổng cầu tăng lên, đặc biệt từ 2 yếu tố: cầu tư nhân do thúc đẩy đầu tư và sản xuất và tiêu dùng; chi tiêu của chính phủ cũng tăng lên nhằm đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế (đặc biệt là chi đầu tư) trong bối cảnh các sự kiện chính trị quan trọng đang đến gần; mặc dù nó thúc đẩy tăng GDP song mặt khác nó làm cho sức ép giá cả tăng lên, tạo ra lạm phát cầu kéo.
          Nhập khẩu tăng lên trong bối cảnh giá cả hàng nhập khẩu đang có xu hướng tăng lên do nền kinh tế thế giới phục hồi, tổng cầu tăng; cùng với lộ trình tăng lương tối thiểu, nó sẽ dẫn đến chi phí sản xuất và tiêu dùng trong nước tăng lên (do Việt Nam là nước nhập siêu), góp phần vào lạm phát dưới dạng chi phí đẩy.
          Sự tăng cung tiền nhanh chóng trở lại trong năm 2009 và hệ số nhân tiền tệ sẽ tăng lên khi sản xuất phục hồi sẽ tạo ra áp lực về lạm phát tiền tệ. Riêng với năm 2009, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 9 tháng ở mức (28%) [[4]], việc kìm chế tổng mức tăng không quá 30% cả năm là khó đạt được; chúng tôi dự báo rằng tăng trưởng tín dụng cả năm của hệ thống ngân hàng đến hết năm 2009 sẽ vượt con số này.
Tất nhiên, một điều quan trọng là các chỉ số này sẽ tăng nhưng không thể tăng cao trở lại như năm 2007 và đầu năm 2008 vì muốn vậy, nó đòi hỏi phải có sự tích lũy qua một quá trình vài năm. Ở đây chúng tôi không có đủ khả năng để xác định được nó sẽ lên đến bao nhiêu nhưng chúng tôi cho rằng chắc chắn sẽ xảy ra xu hướng tăng này.

[2] http://cafef.vn/20091006042054734CA34/cuoi-quy-32009-tang-truong-tin-dung-la-28.chn
[3] Báo cáo nghiên cứu của chúng tôi ngày 11/08/2009