Thứ Năm, 10 tháng 9, 2009

Lãi suất TDĐT&TDXK của NN (bài cũ lưu lại)

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH LÃI SUẤT TÍN DỤNG ĐẦU TƯ VÀ TÍN DỤNG XUẤT KHẨU CỦA NHÀ NƯỚC

Ts. Trần Công Hòa

http://www.sbv.gov.vn/vn/tintuc/tcnh/nguyendinhtrung/tin/tapchi_2008_09_04_031654.doc?tin=494

Tạp chí ngân hàng, số tháng 7/2008

--------------------------

Lãi suất ưu đãi là một đặc trưng nổi bật nhất trong tín dụng đầu tư (TDĐT) và tín dụng xuất khẩu (TDXK) của Nhà nước nhằm hỗ trợ cho các chương trình/dự án/ngành hàng thuộc diện được Nhà nước khuyến khích phát triển. Theo đó, cơ quan cho vay sẽ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thông qua hình thức tín dụng với mức lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, nhờ đó doanh nghiệp có được vốn với chi phí vốn thấp, có thể sản xuất ra sản phẩm với giá thành thấp hơn, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế-xã hội và đem lại lợi nhuận. Như vậy, chính sách lãi suất thấp không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mà còn có ý nghĩa đẩy mạnh sự phát triển của ngành/lĩnh vực, chương trình/dự án được khuyến khích, đồng thời với các chương trình/dự án quy mô lớn thì nó còn có ý nghĩa chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế-xã hội của vùng/miền.

Mặc dù mục tiêu và ý nghĩa của chính sách lãi suất ưu đãi là không thể phủ nhận song vấn đề ưu đãi thông qua lãi suất như thế nào là đặc biệt quan trọng, bởi nếu chính sách lãi suất không phù hợp (quá thấp hoặc quá cao) đều có những tác động không tốt tới doanh nghiệp, cơ quan cho vay và ngân sách nhà nước (NSNN). Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập tới chính sách lãi suất TDĐT và TDXK của Nhà nước hiện nay, phân tích những điểm chưa hoàn thiện và khuyến nghị hoàn thiện chính sách lãi suất này.

1. Chính sách lãi suất ưu đãi hiện nay

Theo cơ chế hiện hành, lãi suất cho vay đầu tư bằng đồng Việt Nam bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 5 năm cộng 0,5%; dự thảo Nghị định sửa đổi là lãi suất TPCP cộng 1%. Lãi suất TDĐT bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi được quy định theo nguyên tắc có ưu đãi trên cơ sở lãi suất Sibor 6 tháng cộng thêm tỷ lệ %. Lãi suất TDXK được công bố theo nguyên tắc phù hợp với lãi suất thị trường. Lãi suất cho vay được xác định tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng (HĐTD) lần đầu tiên và không thay đổi cho cả thời hạn vay vốn; lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn ghi trong HĐTD ([1]).

Lãi suất cho vay được cơ quan quản lý nhà nước công bố hàng năm để cơ quan cho vay (Ngân hàng phát triển Việt Nam – NHPTVN) thực hiện; số lần công bố lãi suất cho vay là tối đa 2 lần/năm. Cơ quan cho vay được Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất (CLLS). Mức cấp bù CLLS được xác định trên cơ sở dư nợ bình quân và chênh lệch giữa lãi suất hòa đồng cho vay và lãi suất hòa đồng vốn huy động.

2. Những vấn đề phát sinh

Quá trình triển khai TDĐT và TDXK của Nhà nước trong thời gian qua cho thấy chính sách lãi suất nêu trên đã bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp, trong đó vấn đề lớn nhất là: Lãi suất cho vay quá thấp và được xác định tại thời điểm ký HĐTD lần đầu tiên và không thay đổi trong suốt thời gian vay vốn. Chính sự không linh hoạt và chưa mang tính thị trường này dẫn đến nhiều tác động ngược, không tốt đối với các doanh nghiệp, cơ quan cho vay và cả đối với NSNN, phần nào giảm sút hiệu quả chính sách của Nhà nước, cụ thể là:

Thứ nhất, tạo sự ỷ lại trông chờ vào “bầu sữa” Nhà nước, sự chây ỳ của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp vay vốn; là một trong những nguyên nhân làm phát sinh nợ quá hạn.

Nguyên nhân của nguyên nhân đối với vấn đề này là do lãi suất cho vay quá thấp. Trong một thời gian dài, chúng ta áp dụng lãi suất cho vay TDĐT là 5,4%/năm (giai đoạn 1999-2003); lãi suất 6,6% (giai đoạn 2003-2004); lãi suất 7,8%/năm (giai đoạn 2004-2006); lãi suất 8,4%/năm và 9%/năm (giai đoạn 2006-2008); đến tháng 8/2008 mới nâng lên 11,4%/năm và 12%/năm tương ứng với đầu tư cơ sở hạ tầng, vùng miền khó khăn và các ngành nghề, địa bàn còn lại. Lãi suất cho vay TDXK là 8,7%/năm; đến tháng 8/2008 mới nâng lên là 14,4%/năm. Riêng lãi suất cho vay kiến cố hóa kênh mương, hạ tầng nông thôn, hạ tầng vượt lũ đồng bằng sông cửu long là 0%/năm.

Từ đầu năm 2008 đến nay, lãi suất thị trường liên tục dâng cao; đến nay, lãi suất huy động trên thị trường trong khoảng từ 17,5%/năm–19%/năm. Như vậy, với các mức lãi suất cho vay nêu trên thì ngay cả khi áp dụng lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn thì vẫn thấp hơn lãi suất huy động trên thị trường rất nhiều. Riêng với cho vay với lãi suất 0%/năm thì kể cả quy định lãi suất quá hạn bằng 1000 lần lãi suất cho vay thì cùng chẳng có ý nghĩa gì. Chính vì vậy, khi lãi suất thị trường dâng cao thì không khuyến khích các doanh nghiệp trả nợ; dễ phát sinh tình trạng các doanh nghiệp “chây ỳ” không chịu trả nợ đến hạn, chiếm dụng vốn của nhà nước, làm phát sinh nợ quá hạn trong TDĐT &TDXK của Nhà nước.

Cùng với điều đó, việc duy trì các mức lãi suất thấp trong một thời gian dài và chưa điều chỉnh kịp thời phù hợp với diễn biến của thị trường đã dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp không tích cực huy động các nguồn vốn tự có và các nguồn khác, trông chờ “ỷ lại” vào nguồn vốn tín dụng của Nhà nước, gia tăng áp lực về vốn trong điều kiện thị trường rất khó khăn, đặc biệt tình hình lạm phát cao hiện nay.

Đồ thị tại Hình 1 cho thấy: Giai đoạn dài trước Nghị định 151 (từ 12/2006 về trước), lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất huy động TPCP rất nhiều. Giai đoạn từ Nghị định 151 (01/2007) đến nay, trong rất nhiều trường hợp, lãi suất cho vay được công bố chưa theo sát nguyên tắc bằng lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm cộng 0,5% mà thường thấp hơn lãi suất TPCP khá nhiều; (ghi chú: trong đồ thị Hình 1, từ tháng 4/2008 đến nay không huy động được bằng TPCP do nhà đầu tư yêu cầu mức lãi suất cao hơn lãi suất trần rất nhiều nhưng để minh họa chúng tôi tạm giả định lãi suất huy động được của TPCP thấp ở mức lãi suất trần; lãi suất cho vay bình quân trong đồ thị không tính lãi suất 0%, chỉ tính đối với các khoản cho vay mới =(8,4%+9%)/2=8,7%). Mặc dù đã sử dụng nhiều giả định theo phương pháp đánh trội (lãi suất huy động toàn bộ là lãi suất từ TPCP, được coi là lãi suất thấp nhất trên thị trường; chỉ dùng các mức lãi suất cao để so sánh, loại bỏ lãi suất cho vay 0%...), nhưng dù vậy vẫn nhận thấy sự không hợp lý về cơ chế lãi suất hiện nay (Hình 1).

Thêm Ảnh

Bên cạnh đó, quan sát đồ thị cũng cho thấy, lẽ ra lãi suất cho vay phải được điều chỉnh vào thời điểm tháng 12/2007; tuy nhiên thực tế đến giữa tháng 8/2008 lãi suất mới được điều chỉnh, theo đó lãi suất TDĐT nâng lên mức 11,4% và 12% tương ứng với đầu tư cơ sở hạ tầng, vùng miền khó khăn và các ngành nghề, địa bàn còn lại; lãi suất TDXK nâng lên 14,4%. Chúng tôi nhận định rằng mức lãi suất này phần nào chưa phù hợp với chủ trương thắt chặt tín dụng. Thật ngạc nhiên khi lãi suất cơ bản (hiện tại là 14%/năm), thông thường được coi là mức lãi suất cho vay với nhóm khách hàng tốt nhất, thì lãi suất tín dụng nhà nước lại thấp hơn rất nhiều, trong khi khách hàng của nó không phải toàn bộ là nhóm tốt nhất. Chúng tôi giữ quan điểm rằng với các khách hàng như vậy nếu cho vay với lãi suất bằng lãi suất cơ bản cũng là ưu đãi rất nhiều rồi chứ không nên để lãi suất thấp như hiện nay.

Sự chưa kịp thời và mức lãi suất cho vay chưa phù hợp với tình hình thực tế đã dẫn đến tình trạng hàng loạt các dự án bị hạn chế tín dụng từ các ngân hàng thương mại (NHTM) “đổ xô” tới vay tín dụng ưu đãi do lãi suất quá thấp, gia tăng áp lực vốn trong khi tình hình huy động vốn năm 2008 (lạm phát cao) đặc biệt khó khăn. Đây cũng là một nguyên nhân đặc biệt quan trọng dẫn tới hệ quả thứ hai dưới đây.

Thứ hai, gia tăng gánh nặng cấp bù đối với NSNN.

Việc duy trì lãi suất cho vay quá thấp trong một thời gian dài đã và đang là nguyên nhân chính dẫn tới gia tăng cấp bù CLLS, là gánh nặng đối với NSNN.

Thông thường, hoạt động tín dụng của ngân hàng chỉ có thể hòa vốn hoặc có lãi (thu nhập lãi tín dụng cận biên NIM>0) khi cho vay với lãi suất trung bình cho vay lớn hơn lãi suất huy động vốn ít nhất là 2%. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, trường hợp hòa vốn với độ lệch (margin) 2% này là rất hiếm; chỉ có những ngân hàng có trình độ quản trị thật sự cao, khả năng quản lý chi phí rất tốt mới có thể đạt được điểm hòa vốn ở mức này. Như vậy, với giả định là cơ quan cho vay có nguồn vốn huy động toàn bộ từ TPCP, là nguồn vốn dài hạn với chi phí thấp nhất, thì với lãi suất cho vay theo quy định với nguyên tắc bằng lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm cộng 0,5%, NSNN vẫn phải bù CLLS ít nhất là 1,5%. Đó là phân tích về lý thuyết, còn trong thực tế, NSNN phải cấp bù lớn hơn nhiều lần do phải huy động từ các nguồn khác với lãi suất cao hơn lãi suất huy động từ phát hành TPCP và phải “cáng đáng” các khoản cho vay lãi suất 0%/năm (mỗi năm 1.000 tỷ cho đến hết năm 2010) và các khoản cho vay theo HĐTD đã ký trước đây với lãi suất 3%/năm; 4,2%/năm; 5,4%/năm; 6,6%/năm; 7,8%/năm nay vẫn đang phải tiếp tục giải ngân; vì lẽ đó, độ lệch lãi suất hòa đồng đầu vào-đầu ra khá lớn: năm 2004 là 1,31%, năm 2005 là 1,94%, năm 2006 lên tới 2,27% và năm 2007 là 0,91%; trung bình giai đoạn 2002-2007 là 1,44%; dự tính độ lệch lãi suất đầu vào-đầu ra năm 2008 là 2,18% (Hình 2).

Phân tích đồ thị tại Hình 2 cho thấy độ lệch lãi suất đầu vào-đầu ra tăng mạnh từ năm 2002-2006 và giảm mạnh trong năm 2007. Lý do là trong giai đoạn 2002-2006 lãi suất huy động vốn cao hơn lãi suất cho vay rất nhiều. Các mức lãi suất cho vay được công bố trong giai đoạn 03/2007-10/2007 khá hợp lý so với lãi suất huy động (Hình 1). Tuy nhiên, do lãi suất không điều chỉnh kịp thời nên năm 2008 trở đi số cấp bù sẽ tăng cao trở lại. Mặc dù số cấp bù CLLS cũng phụ thuộc vào lãi suất huy động, cơ cấu dư nợ cho vay theo nhóm lãi suất cho vay và cơ cấu dòng tiền trả lãi huy động hàng năm nhưng trong đó lãi suất huy động là yếu tố thị trường (khách quan) và phải chấp nhận thì mới có thể huy động được vốn. Vấn đề còn lại là lãi suất cho vay và như vậy, dù thế nào thì mức lãi suất cho vay đã trở thành yếu tố then chốt trong vấn đề cấp bù CLLS, chính nó đã và đang làm trầm trọng thêm gánh nặng trên đôi vai NSNN cho nội dung này.

Bên cạnh nguyên nhân lãi suất thấp, còn có 1 nguyên nhân nữa gây nên tình trạng cấp bù CLLS lớn là do cơ chế lãi suất cố định tại thời điểm ký HĐTD và như nhau đối với mọi khoản giải ngân trong suốt thời gian vay vốn.

Trong thực tế, với các dự án sản xuất công nghiệp hoặc đầu tư quy mô lớn (ví dụ: đầu tư hạ tầng, nhà máy điện, luyện thép...), khoảng thời gian từ khi ký HĐTD cho đến khi rút vốn rất dài; thời gian giữa các lần rút vốn cũng kéo dài do nhiều nguyên nhân: (i) đầu tư quy mô lớn nên cần nhiều thời gian; (ii) giải phóng mặt bằng chậm; (iii) năng lực triển khai của chủ đầu tư, đơn vị thi công chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến kéo dài thời gian đầu tư; (iv) trình tự thủ tục đầu tư xây dựng chưa thông thoáng; (v) các khó khăn khách quan khác như: thiên tai, bị đơn vị khác chiếm dụng vốn... Chính vì vậy, nhiều trường hợp khoảng cách giữa các lần rút vốn kế tiếp kéo dài tới hàng năm, thậm chí vài năm. Tại thời điểm này, lãi suất thị trường đã có nhiều thay đổi và như vậy, mức lãi suất ưu đãi cố định tại thời điểm ký HĐTD và áp dụng như nhau đối với mọi khoản giải ngân trong suốt thời gian cho vay là không còn phù hợp. Lúc này, nếu lãi suất thị trường xuống rất thấp thì lãi suất vay vốn theo HĐTD đã ký trở thành quá cao và sẽ là một khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp; khi đó mục tiêu khuyến khích đầu tư phát triển cho ngành/lĩnh vực/vùng, miền đó bị ảnh hưởng và khó đạt được. Ngược lại, nếu lãi suất thị trường khi dự án rút vốn lên rất cao (ví dụ như nửa đầu năm 2008: lãi suất huy động của các NHTM lên tới gần 20%) mà vẫn giải ngân với lãi suất ưu đãi theo thời điểm ký HĐTD từ trước thì sẽ trở thành ưu đãi quá mức cần thiết. Theo thống kê của NHPTVN, số vốn còn phải giải ngân từ năm 2008 trở đi theo các HĐTD đã ký trước đây với lãi suất thấp (3%/năm; 4,2%/năm; 5,4%/năm; 6,6%/năm; 7,8%/năm...) còn khoảng 22,3 ngàn tỷ đồng, bằng 51% số vốn vay HĐTD đã ký; riêng số cấp bù CLLS cho các khoản vay theo các hợp đồng này ước tính gần 2.000 tỷ đồng trong những năm tới đây; đấy là chưa kể các khoản giải ngân với lãi suất 0%/năm. Trường hợp này do lãi suất thị trường lên cao nên cơ quan cho vay (NHPTVN) phải huy động với lãi suất cao trên thị trường và như vậy số cấp bù CLLS sẽ lớn, làm gia tăng gánh nặng cho NSNN.

Thống kê cho thấy kể từ đầu tháng 3 đến nay, việc huy động mới của các tổ chức phát hành trái phiếu gặp rất nhiều khó khăn do lạm phát cao; trong gần 5 tháng qua (từ 07/03/2008 đến 31/07/2008), Kho bạc Nhà nước chỉ huy động được 12 tỷ đồng trong tổng số 7.600 tỷ đồng trái phiếu đưa ra đấu thầu (ngoài ra huy động được 15 tỷ theo phương thức bảo lãnh phát hành); riêng NHPTVN trong gần 5 tháng qua (tính đến 31/07/2008) chỉ huy động được 136 tỷ đồng trong tổng khối lượng gần 2.000 tỷ đồng TPCP đưa ra đầu thầu. Trái phiếu là kênh huy động chủ lực để cho vay đầu tư vì thích hợp về kỳ hạn và quy mô vốn lớn; việc không huy động được bằng trái phiếu đang gia tăng áp lực về vốn đối với Nhà nước và phải huy động từ các kênh khác với lãi suất cao hơn lãi suất trái phiếu, dẫn tới tăng CLLS phải cấp bù.

Thứ ba, việc duy trì một mức lãi suất cho vay giống nhau cho các nhóm khách hàng có các dự án thuộc các lĩnh vực ngành, nghề khác nhau, có độ tin cậy (mức rủi ro) khác nhau đã tạo ra một sự “cào bằng” về ưu đãi của nhà nước. Nó một mặt không thể hiện tính ưu tiên trọng điểm giữa các nhóm ngành được khuyến khích, mặt khác lại không tạo động lực đối với cơ quan cho vay trong việc nâng cao năng lực thẩm định và phân tích tín dụng nhằm đảm bảo an toàn vốn vay.

Theo thông lệ, việc xác định mức lãi suất cho vay đối với mỗi dự án được dựa trên kết quả chấm điểm tín dụng đối với khách hàng, tính khả thi và hiệu quả của dự án. Chúng tôi cho rằng việc “ấn định” 1 mức lãi suất cho vay dùng chung cho các dự án thuộc các ngành/lĩnh vực khác nhau của các khách hàng khác nhau là không có cơ sở, nó thuần túy mang tính hành chính nhiều hơn là dựa trên các phân tích tín dụng và thiếu tính thị trường.

3. Kiến nghị hoàn thiện cơ chế lãi suất

Chúng ta biết rằng chính sách lãi suất cao sẽ không khuyến khích đầu tư, đặc biệt ở những ngành có tỷ suất sinh lợi thấp, thời gian thu hồi vốn dài và rủi ro cao, đặc biệt ở những vùng/miền khó khăn. Ngược lại, chính sách lãi suất thấp sẽ khuyến khích đầu tư, đặc biệt quan trọng với những ngành/vùng cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng thấp đến mức nào và thực hiện như thế nào mới là điều quan trọng. Chúng tôi xin kiến nghị như sau:

3.1. Khung cơ chế lãi suất

Phân tích tại phần trên cho thấy, cơ chế cho vay với lãi suất rất thấp trong thời gian vừa qua chính là nguyên nhân gia tăng gánh nặng NSNN hàng năm cho cấp bù CLLS và phí hoạt động cho cơ quan cho vay, làm thâm hụt tài chính và là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng chiếm dụng vốn tín dụng nhà nước, phát sinh nợ quá hạn; đồng thời nó không tạo động lực để cơ quan cho vay nâng cao năng lực thẩm định và quản trị rủi ro tín dụng. Một cơ chế lãi suất như vậy sẽ hạn chế khả năng độc lập của cơ quan cho vay và làm sai lệch các quy luật vận hành trên thị trường tài chính. Do vậy, những khoản trợ cấp về tài chính (cấp bù lãi suất) được ấn định mà không quan tâm tới kỳ hạn, khả năng sinh lợi cũng như mức độ tín nhiệm cần phải được xem xét lại.

Lãi suất cho vay cần do chính cơ quan cho vay quyết định với nguyên tắc tự chủ và tự chịu trách nhiệm trên cơ sở đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng và rủi ro của dự án, cũng như khả năng cân đối của cơ quan cho vay; theo đó có thể lựa chọn xác định các mức lãi suất sao cho: Đủ cao để có thể bù đắp được chi phí hoạt động (hiển nhiên là phải cao hơn lãi suất huy động) nhưng cũng phải đủ thấp để thu hút các nhà đầu tư có các dự án đúng đối tượng, thực hiện được mục tiêu khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực/ngành/vùng, miền theo chủ trương của Nhà nước.

Như vậy, về lý thuyết, lãi suất cho vay sẽ ở mức sát so với lãi suất thị trường. Nếu coi D là lãi suất huy động vốn bình quân, C là lãi suất cho vay bình quân tại đó hoà vốn, B là lãi suất cho vay bình quân trên thị trường, A là lãi suất cho vay lớn nhất trên thị trường thì lãi suất cho vay ưu đãi sẽ dao động từ D cho đến sát B tùy theo khách hàng/dự án; trong đó sẽ tập trung nhiều ở mức từ C đến B (Hình 3). Tức là lợi nhuận trong tín dụng ưu đãi vẫn luôn thấp hơn so với lợi nhuận của tín dụng thị trường (vay NHTM). Điều này không vi phạm các cam kết quốc tế và phù hợp với quan điểm thị trường, bởi lẽ: Thu nhập từ cho vay theo quan điểm thị trường là mức thu nhập dự tính không thấp hơn tổng các chi phí bỏ ra, bao gồm cả chi phí huy động vốn và chi phí hoạt động. Lãi suất cho vay thấp là do tiết kiệm được chi phí trong tổ chức vận hành và lợi nhuận chứ không phải được trợ cấp đầu vào để "phá giá". Ngoài ra cũng cần lưu ý là dù chỉ chênh lệch rất nhỏ so với lãi suất vay các NHTM thì cũng là khoản ưu đãi rất lớn do số vốn vay lớn, thời hạn dài (tín dụng đầu tư); bên cạnh đó còn nhiều ưu đãi khác về bảo đảm tiền vay, thời gian ân hạn...

Trường hợp Chính phủ cần có một sự giới hạn nào đó về mức lãi suất cho vay nhằm đảm bảo một sự ưu đãi nhất định và hạn chế sự trợ cấp quá mức cần thiết thì có thể đưa ra khung lãi suất với lãi suất trần và lãi suất sàn, theo đó cơ quan cho vay chỉ được cho vay trong khung lãi suất này (từ sàn D đến trần B, Hình 3).


3.2. Kiến nghị hoàn thiện chính sách lãi suất hiện nay

Xuất phát từ các phân tích và khung lý luận chung về cơ chế lãi suất nêu trên, thiết nghĩ cần sớm hòan thiện một cách toàn diện cơ chế lãi suất cho vay TDĐT và TDXK của Nhà nước, trong đó nhấn mạnh:

Một là, cần tăng lãi suất cho vay và xây dựng khung lãi suất phù hợp. Như đã phân tích ở phần 2, lãi suất cho vay hiện nay là không phù hợp và cần điều chỉnh tăng phù hợp với tình hình thị trường và chủ trương thắt chặt tín dụng của Nhà nước, bao gồm cả việc bãi bỏ quy định tiếp tục cho vay với lãi suất 0%/năm và bãi bỏ quy định cứng nhắc lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn cho các mức lãi suất rất thấp trước đây, kể cả đối với dư nợ hiện tại. Đối với Dự thảo sửa đổi Nghị định 151 hiện nay đang trình Chính phủ, nguyên tắc lãi suất mới (lãi suất cho vay = lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm +1%) cũng vẫn khá thấp so với thị trường.

Chúng tôi kiến nghị rằng Chính phủ chỉ cần quy định khung lãi suất sàn-trần cho hoạt động tín dụng này mà vẫn đảm bảo sự quản lý và phạm vi điều hành mang tính định hướng. Khung lãi suất có thể căn cứ vào lãi suất TPCP để xác định vì nó phù hợp với đặc thù nguồn vốn (chủ yếu là từ huy động TPCP) và kỳ hạn cho vay tập trung vào đầu tư dài hạn, quy mô vốn lớn. Chúng tôi đề xuất: Lãi suất sàn cho TDĐT bằng lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm cộng 1%. Lãi suất trần bằng lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm cộng 3%. Lý do: Trung bình thu nhập lãi tín dụng cận biên (NIM) của các NHTM quốc doanh trong năm 2007 là 3%, bằng năm 2006; còn NIM của các NHTM cổ phần tương ứng các năm 2007 và 2006 là 3,1% và 3% ([1]). Với tín dụng ưu đãi có thể chọn lãi suất với NIM ≤ 3%. Thực tế là kể cả khi chọn lãi suất để NIM =3% thì lãi suất cho vay vẫn thấp hơn lãi suất của các NHTM quốc doanh rất nhiều do lãi suất huy động (đầu vào) tính trên cơ sở lãi suất TPCP, được coi là lãi suất thấp nhất trên thị trường so với các khoản huy động khác cùng kỳ hạn. Như vậy, khung lãi suất cho vay TDĐT tại thời điểm hiện nay sẽ vào khoảng: 15,5%-17,5%; mức lãi suất này vẫn còn thấp hơn lãi suất huy động của các NHTM quốc doanh rất nhiều chứ chưa nói đến lãi suất cho vay của các NHTM nói chung. Lãi suất cho vay TDXK cũng có thể áp dụng theo khung này hoặc quy định một khung lãi suất riêng theo nguyên tắc nêu trên.

Xét một cách thông thường, mức lãi suất này là cao và số dự án chịu được lãi suất này mà vẫn có hiệu quả là không nhiều; nhưng nó phù hợp với chủ trương thắt chặt tín dụng và phù hợp với tình hình thị trường lạm phát cao hiện nay. Điều quan trọng là nó phản ánh sự vận động theo tín hiệu thị trường, một nguyên tắc tối cao phải đáp ứng mà cả nền kinh tế đang hướng tới theo cơ chế thị trường. Cùng với điều đó, việc áp dụng cơ chế lãi suất này sẽ phát huy tác dụng tích cực nếu đồng thời có sự hài hòa và kịp thời về chính sách như các nội dung được khuyến nghị dưới đây.

Hai là, cần tăng tính chủ động của cơ quan cho vay (NHPTVN), cho phép cơ quan này được quyền quyết định lãi suất cho vay trong khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định. Việc quyết định cho vay và các điều kiện tín dụng (trong đó có lãi suất) sẽ phải thực hiện theo thông lệ, được dựa trên sự đánh giá về mức rủi ro của dự án đầu tư, độ tín nhiệm của khách hàng vay vốn và khả năng vốn của ngân hàng.

Việc thực hiện các giải pháp này có ý nghĩa quan trọng là:

(i) Tạo động lực để cơ quan cho vay nâng cao năng lực của mình trong việc thẩm định dự án và xếp hạng tín dụng khách hàng để đưa ra mức lãi suất phù hợp, đảm bảo sự minh bạch cần thiết trong chính sách tín dụng. Theo đó, những khách hàng có xếp hạng tín dụng tốt và dự án khả thi hơn sẽ có thể được hưởng các mức lãi suất thấp hơn hoặc số vốn vay lớn hơn hoặc điều kiện tín dụng ít ràng buộc hơn.

(ii) Giảm gánh nặng cấp bù CLLS từ NSNN. Tạo thuận lợi cho việc cân đối kế hoạch NSNN hàng năm cho cấp bù CLLS. Với khung lãi suất trần-sàn được xác định, có thể dự tính được mức CLLS phải cấp bù xác thực hơn, từ đó khắc phục được hạn chế hiện nay là kế hoạch vốn NSNN không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế và NSNN luôn phải nợ cơ quan cho vay kéo dài qua nhiều năm. Trường hợp cần đảm bảo sự chặt chẽ và khống chế hơn về kế hoạch vốn NSNN, trong phạm vi có thể cân đối, Bộ Tài chính có thể giao khoán cho NHPTVN số vốn tối đa được cấp bù CLLS trong năm để NHPTVN chủ động cân đối cho vay với cơ chế lãi suất này.

(iii) Tránh được sự “soi xét” không cần thiết từ bên ngoài đối với việc thực thi các cam kết gia nhập WTO về chống trợ cấp, đặc biệt với TDXK và một số ngành hàng nông nghiệp nhạy cảm. Việc xác định khung lãi suất rất mở và lãi suất cho vay cụ thể do cơ quan cho vay quyết định dựa theo các thông lệ tín dụng (quyết định dựa trên độ tín nhiệm, tính khả thi... của dự án) là phù hợp với quy định của WTO và theo nguyên tắc thị trường; là một minh chứng tốt cho việc thực thi đúng các cam kết gia nhập WTO.

Đối với một số nhóm ngành/vùng đặc biệt cần đẩy mạnh hỗ trợ, Chính phủ có thể quy định một khung lãi suất (sàn/trần) riêng để đảm bảo một sự ưu đãi đặc biệt hoặc đối xử riêng; khi đó cơ quan cho vay sẽ không được áp lãi suất quá cao (hoặc quá thấp) so với những nhóm ngành/vùng khác. Như vậy, chính sách và mục tiêu ưu tiên của nhà nước vẫn được đảm bảo và vẫn tạo được sự chủ động cho cơ quan cho vay.

Ba là, cần áp dụng cơ chế lãi suất linh hoạt, không áp đặt cố định lãi suất cho vay từ khi ký HĐTD cho mọi khoản rút vốn. Theo đó, lãi suất có thể được xác định theo phương pháp thả nổi hoặc cố định tùy theo từng dự án và sự thỏa thuận với khách hàng. Như vậy, khách hàng và ngân hàng có thể cùng thỏa thuận lựa chọn 1 trong các phương thức:

(i) Lãi suất cố định cho mọi khoản rút vốn;

(ii) Lãi suất đối với mỗi khoản rút vốn xác định bằng lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm cộng với một biên độ % hợp lý (trong khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định) tại thời điểm rút vốn;

(iii) Lãi suất cố định trong 5 năm vay vốn đầu tiên và được xem xét điều chỉnh 2 năm 1 lần (có thể cân nhắc khoảng thời gian hợp lý hơn phù hợp với đặc điểm của mỗi dự án), điều chỉnh đối với toàn bộ dư nợ tại thời điểm xem xét theo nguyên tắc bằng lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm cộng với một biên độ % hợp lý (trong khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định).

Thực hiện điều này sẽ góp phần khắc phục được các vấn đề phát sinh trình bày ở Điểm 2 nêu trên, đồng thời tạo sự chủ động tối đa cho cả khách hàng và ngân hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Một số ý kiến cho rằng như vậy sẽ tồn tại quá nhiều mức lãi suất và việc điều chỉnh lãi suất có thể ảnh hưởng tới hiệu quả tài chính của dự án và khả năng hoàn trả nợ vay, tức là ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng. Chúng tôi cho rằng ý kiến này là không xác đáng vì thực tế hoạt động ngân hàng là phải chấp nhận quản lý nhiều mức lãi suất, miễn là phù hợp với đặc điểm của từng khoản vay cụ thể. Vấn đề ảnh hưởng của lãi suất tới chất lượng tín dụng có thể hạn chế được nếu như quá trình thẩm định dự án có các phân tích độ nhạy hợp lý theo lãi suất, để từ đó đánh giá đúng hơn và lựa chọn được các dự án có hiệu quả cao hơn. Điều đó phụ thuộc vào chất lượng công tác thẩm định của ngân hàng chứ không phải chỉ vì việc có điều chỉnh lãi suất hay không. Mặt khác, việc xác định điều chỉnh lãi suất có nghĩa là có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm chứ không phải chỉ điều chỉnh theo một chiều tăng. Trong những trường hợp lãi suất thị trường xuống rất thấp (ví dụ: nền kinh tế bị thiểu phát, giảm lãi suất để kích cầu) thì việc điều chỉnh giảm lãi suất ưu đãi theo nguyên tắc HĐTD đã ký cũng có thể được thực hiện, khi đó ngân hàng vẫn đảm bảo được an toàn tín dụng, giúp doanh nghiệp vượt khó và giữ được khách hàng; vấn đề là chấp nhận lợi nhuận ít đi một chút mà thôi. Đây cũng chính là động lực để ngân hàng nâng cao chất lượng thẩm định và khả năng ứng phó linh hoạt của mình trước diễn biến của thị trường.

Bốn là, cần bãi bỏ quy định “số lần tối đa công bố lãi suất là 2 lần/năm”. Chúng tôi cho rằng quy định này phản ánh sự cứng nhắc và thiếu linh hoạt trong điều hành lãi suất, nó không phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Mặc dù nó có ý nghĩa là tạo sự an tâm cho nhà đầu tư về sự không thay đổi nhanh chóng nhiều lần (tính ổn định) của lãi suất tín dụng ưu đãi, song thực tế nó không phù hợp với diễn biến của thị trường và tự nó đem lại những tác động ngược khi lãi suất thị trường có nhiều biến động (đặc biệt như năm 2008) và dẫn đến những vấn đề phát sinh như Điểm 2 nêu trên.

Năm là, cùng với việc điều chỉnh chính sách lãi suất theo hướng ưu đãi phù hợp, cần đảm bảo các sự ưu đãi khác thông qua các điều kiện tín dụng như mức vốn cho vay, thời gian vay vốn, đảm bảo tiền vay, thời gian ân hạn... Việc ưu đãi thông qua các biện pháp khác này là rất quan trọng và hoàn toàn phù hợp với các quy định của WTO. Có như vậy, việc thực hiện chính sách lãi suất mới sẽ càng thuận lợi hơn và các nhà đầu tư yên tâm hơn, góp phần quan trọng thực hiện được mục tiêu của chính sách TDĐT&TDXK của Nhà nước.

Có thể nói, lãi suất một nội dung đặc biệt quan trọng trong chính sách tín dụng của nhà nước. Chính sách lãi suất hiện hành đã bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại đang tác động đến mọi chủ thể tham gia trong chính sách TDĐT&TDXK của Nhà nước. Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng việc sửa đổi chính sách lãi suất hiện nay là cần thiết không chỉ nhằm phù hợp hơn với thông lệ tín dụng, mà còn có ý nghĩa quan trọng giảm bớt gánh nặng NSNN cho cấp bù CLLS, góp phần giảm bội chi NSNN và hơn thế nữa, nó tạo sự đồng bộ hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của quốc gia. Năm 2008 chứng kiến nhiều đổi thay quan trọng trong chính sách của Nhà nước về điều hành tỷ giá, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Những biện pháp gần đây đã được cho là đúng hướng, nhưng cũng chính vì vậy cần tiếp tục hoàn thiện nó để thực hiện được tốt hơn các mục tiêu nhằm kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu trong phát triển kinh tế đất nước; trong đó có sự khuyến khích đầu tư vào những ngành/lĩnh vực trọng điểm, những vùng/miền có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn, góp phần phát triển kinh tế đất nước theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn hội nhập.

--------------------------



[1] Tham khảo báo cáo đánh giá ngành ngân hàng của BVSC



[1] Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 26/12/2006 của Chính phủ về TDĐT và TDXK của Nhà nước; Dự thảo sửa đổi Nghị định 151/2006/NĐ-CP.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét