Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2009

TPCP 1 tỷ USD (bài cũ lưu lại)


Về một số diễn biến thị trường và nhận định xung quanh kế hoạch phát hành TPCP 1 tỷ USD

(17/06/2009)


1. Thâm hụt ngân sách nhà nước và bù đắp bội chi:

- Thâm hụt ngân sách ngày càng tăng và trở nên trầm trọng. Mức thâm hụt đã lên lớn nhất trong vòng nhiều năm qua, năm 2005: 40,7 ngàn tỉ đồng; năm 2006: 48,5 ngàn tỉ đồng; năm 2007: 56,5 ngàn tỉ đồng; năm 2008: 66,2 ngàn tỉ đồng. Năm 2009, Chính phủ đã trình Quốc hội mức bội chi là 8% GDP. Mức bội chi lên đến 8% GDP đang mang lại những quan ngại sâu sắc về ổn định kinh tế vĩ mô trong trung hạn. Mức bội chi này sẽ tương đương với 144,8 ngàn tỉ đồng (khoảng 8,5 tỉ USD, với tỷ giá là 17.000 VND/USD), căn cứ trên mức bội chi đã được Quốc hội thông qua là 87,3 ngàn tỉ đồng (khoảng 5,1 tỉ USD) tương ứng với 4,82% GDP. [[1]]. Trường hợp Quốc hội thông qua mức bội chi khoảng 7% thì sẽ tương đương với số tiền khoảng 126 ngàn tỷ đồng (khoảng 7,4 tỷ USD).


- Khi thực hiện gói kích cầu số 2, với số tiền lên tới 145 ngàn tỷ (khoảng 8 tỷ USD), Chính phủ chắc chắn sẽ phải tính toán tới các nguồn bổ sung tài chính cho kế hoạch này vì nó đòi hỏi các chi phí bổ sung lên nhiều chục ngàn tỷ đồng (sau khi đã giảm trừ các khoản dự thu hoặc tự điều hòa ngân sách); điều này chỉ có thể có được bằng cách đi vay nợ. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới (WB), Chính phủ sẽ phải phát hành trái phiếu bổ sung cho đầu tư khoảng 27,7 ngàn tỷ đồng; số liệu này cũng phù hợp với số liệu do Bộ KH&ĐT đưa ra [[2]].

2. Thử tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao lại là TPCP ngoại tệ trên thị trường trong nước?”

Vấn đề đặt ra là vay nợ nước ngoài ngày càng trở nên khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, và trong bối cảnh hiện nay, khi nợ chính phủ ở khoảng 47,5% GDP thì việc vay nợ nước ngoài là không nên nếu không muốn bị thêm các áp đặt về chính trị hoặc các điều kiện không mong muốn khác. Vì thế nên huy động trên thị trường trong nước có vẻ là nên làm hơn so với huy động trên thị trường nước ngoài.

Hơn nữa, huy động bằng USD có cái lợi là sẽ góp phần hạn chế tình trạng USD găm giữ trong doanh nghiệp mà không bán cho ngân hàng, hạn chế hơn USD trôi nổi trên thị trường nhằm giảm tình trạng đôla hóa. Trước đó, trong các ngày 20, 24 và 27/3, lần lượt các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ đợt phát hành đầu tiên đã diễn ra tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) với những kết quả khác nhau. Tổng lượng vốn gọi trong đợt này là 300 triệu USD, huy động 230,11 triệu USD với các mức lãi suất 3%/năm (trái phiếu kỳ hạn 1 năm), 3,2%/năm (trái phiếu kỳ hạn 2 năm) và 3,6%/năm (trái phiếu kỳ hạn 3 năm). Nó tạo tâm lý cho nhà điều hành về việc tiếp tục huy động USD.

Lãi suất trần TPCP bằng nội tệ từ đầu năm 2009 đến nay đã tăng khoảng 6 lần nhưng vẫn không đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư (bảng 1); vì thế nên tính đến USD cũng là một giải pháp đáng xem xét.


Bên cạnh đó, trong tình cảnh các NHTM đang bí VND (phải tăng lãi suất huy động suốt từ đầu năm 2009 đến nay, cá biệt có ngân hàng đã dâng lãi suất huy động lên 10%/năm trong khi lãi suất cơ bản vẫn chỉ là 7% và biên độ lãi suất cho vay theo quy định vẫn là 150% lãi suất cơ bản); thanh khoản VND của các NHTM kém như vậy thì khó thực hiện tốt chính sách kích cầu, do đó có lẽ vì thế nên Chính phủ mới chuyển hướng sang USD.

Một loạt các động thái trước đây được các cơ quan quản lý nhà nước và Hiệp hội ngân hàng đưa ra là giảm lãi suất USD, theo đó lãi suất huy động USD rất thấp, chỉ loanh quanh 1,2%-2,1%/năm (kỳ hạn 1 tháng -24 tháng). Nó có lý nhằm kích thích các doanh nghiệp vay USD để phục vụ đầu tư hoặc sản xuất kinh doanh (nhập khẩu máy móc hoặc nguyên liệu) và giảm bớt áp lực về tiền VND trên thị trường. Tuy nhiên, một điều rất quan trọng là giảm lãi suất USD trên thị trường trong nước sẽ làm giảm tính hấp dẫn FDI và kiều hối (mà FDI đối với Việt Nam là cực kỳ quan trọng); như vậy sẽ giảm động lực cho tăng trưởng. Vậy thì giảm lãi suất này để làm gì khác nữa?! Phải chăng là “dọn đường” cho việc huy động TPCP bằng ngoại tệ này để nhằm huy động được vốn bằng USD trên thị trường trong nước với lãi suất thấp. Nhưng, chỉ có thể thực hiện được điều này khi có một áp lực nào đó “ép” các NHTM mua TPCP này theo lãi suất định hướng. Còn nếu không thì lãi suất chắc hẳn không thể thấp hơn lãi suất huy động được từ các đợt tương tự các ngày 20, 24 và 27/3/2009 vừa rồi.

3. Tác động của nó?

Chúng ta biết rằng hiệu ứng tâm lý về lãi suất giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ luôn có tác động qua lại với nhau. Một khi cung TPCP tăng lên thì lãi suất thường tăng lên (trừ khi có 1 áp lực nào đó “ép” theo cách phi thị trường); khi đó sẽ kéo theo tâm lý tăng lãi suất trên thị trường tiền tệ, còn trên phương diện khác, một cách logic khi tăng cung TPCP nó tạm thời làm cho lượng tiền trong lưu thông ít đi, dẫn đến khan hiếm trên thị trường tiền tệ, dẫn đến tăng lãi suất.

Trong trường hợp này, nếu như Chính phủ để việc phát hành TPCP lần này theo lẽ thông thường của thị trường thì muốn đạt được kết quả lãi suất sẽ phải lên cao; nhưng rõ ràng Chính phủ không muốn làm tăng lãi suất vì như thế nó ảnh hưởng tới mục tiêu của chính sách kích cầu.

Giả sử là có một lực “ép” nào đó, các NHTM phải tăng mua USD nhằm đảm bảo thực hiện “nhiệm vụ được giao”, mặt khác để duy trì thanh khoản về ngoại hối; cùng với việc “bơm” nhiều tiền VND thời gian qua, dẫn đến tỷ giá USD so với VND tăng lên là điều tất yếu; hỗ trợ thêm vào yếu tố này còn có nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu tăng cao do nguồn tài chính, theo những cách nào đó trở nên dồi dào hơn; nhập siêu tăng lên cũng thúc đẩy USD tăng giá trên thị trường trong nước (như thời gian gần đây). Hiện tượng các NHTM quay lại niêm yết giá mua vào USD bằng giá trần thể hiện nhu cầu vốn USD rất cao của các NHTM hiện nay.

Cần lưu ý rằng, các NHTM hiện nay thiếu VND nên vừa tăng lãi suất huy động vừa khống chế hạn mức tín dụng rất nhiều đối với khách hàng và chi nhánh NHTM cấp dưới. Cũng trong trường hợp đó, các NHTM cần nhiều VND hơn để mua được USD nhằm thực hiện “nhiệm vụ được giao”, vì thế cơn khát vốn nội tệ của các NHTM sẽ tăng lên dẫn đến lãi suất huy động dâng lên. Nhưng lãi suất huy động không thể dâng lên mãi vì NHTM không thể tăng lãi suất cho vay quá cao do vướng trần lãi suất tính theo lãi suất cơ bản (trừ một số trường hợp cho vay tiêu dùng theo lãi suất thỏa thuận). Do đó cung tín dụng bị hạn chế lại, từ đó ảnh hưởng tới thực hiện mục tiêu của chính sách kích cầu. Việc ảnh hưởng tới chính sách kích cầu không chỉ dừng lại ở việc cho vay và bù lãi suất, mà còn hạn chế việc triển khai bảo lãnh tín dụng của Ngân hàng phát triển Việt Nam, một trong những kênh thực hiện kích cầu của Chính phủ. Có nghĩa là đầu tư từ khu vực tư nhân ít đi và thay vào đó là đầu tư công tăng lên.

Như thế, một lần nữa cho thấy rằng Chính phủ tiếp tục nới rộng sự điều tiết và hỗ trợ tăng trưởng bằng cách tăng đầu tư công, rõ ràng là nó được thực hiện qua các tập đoàn con cưng là chủ yếu, để nhập khẩu thiết bị thực hiện các dự án lớn. Sức lan tỏa từ tăng đầu tư công kiểu này sẽ không mạnh và nhanh bằng việc tăng chi cho an sinh xã hội (giáo dục, y tế…) hoặc các biện pháp về thuế và bù lãi suất; nó đến với quảng đại nhân dân rất chậm chạp và khó cảm nhận.

Hệ quả tiếp tục kéo theo là một số NHTM lớn, thành phần chủ lực được “giao nhiệm vụ mua TPCP” sẽ cảm thấy “ngấy” TPCP, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài chưa quay trở lại với TPCP của Việt Nam, các NHTM sẽ không quan tâm đến cả TPCP bằng nội tệ và ngoại tệ, làm cho TPCP bị mất giá, lãi suất sẽ dâng lên, các đợt phát hành còn lại dù bằng đồng tiền nào cũng sẽ kém hấp dẫn. Ở đây chúng ta thống nhất với nhau rằng sẽ có nhiều tổ chức bị ảnh hưởng như: VDB, VBSP, VEC chứ không chỉ Kho bạc nhà nước, vì các tổ chức này cùng huy động bằng phát hành TPCP hoặc trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Như thế, các kênh kích cầu và bảo đảm an sinh xã hội kể trên (VDB, VBSP) bị ảnh hưởng. Vậy, huy động 1 tỷ USD trên 1 góc nhìn khác, nó không thật sự có nhiều hiệu quả kích cầu tức thời đang nóng hổi hiện nay. Các NHTM có thể đem TPCP này chiết khấu tại NHNNVN, nếu vậy thì sẽ không khác nào việc đem dự trữ quốc gia ra để đầu tư các dự án lớn theo chương trình 1 tỷ USD này, khi đó dự trữ ngoại hối giảm xuống, ảnh hưởng tới cán cân thanh toán và mất cân đối vĩ mô.

Lãi suất TPCP, hay ở một giác độ khác khi đường cong lợi suất đi lên, nó tạo ra mâu thuẫn với việc níu lãi suất trên thị trường tiền tệ; các NHTM tiếp tục kìm giữ hạn mức tín dụng sẽ khiến các doanh nghiệp tư nhân không vay được vốn của NHTM phải thỏa mãn cơn khát thanh khoản bằng tín dụng đen hoặc rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng tăng lên.

Đối với thị trường chứng khoán: Có lẽ khi TPCP thừa mứa và lãi suất cao thì cũng không phải là tín hiệu thể hiện sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Khi đầu tư nước ngoài chưa quay lại mạnh mẽ, tức là thể hiện tính hấp dẫn của thị trường trong nước chưa khá lên, thì thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thể đi lên một cách bền vững được; lịch sử thăng trầm của thị trường chứng khoán Việt Nam từ trước đến nay luôn song hành với sự đóng góp quan trọng của các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi dự báo rằng, yếu tố tâm lý trong giai đoạn trước mắt sẽ là rất lớn, các tác động bởi “tin tức” có lẽ sẽ tiếp tục nhiều hơn;

Với việc Chính phủ huy động một lượng tiền lớn như vậy để làm theo cách này, thì đó dường như là một bằng chứng khẳng định rằng nền kinh tế Việt Nam chưa thể hồi phục. Vì thế, sự phát triển của thị trường chứng khoán trong những ngày này là khó bền vững. USD có thể mất giá so với các đồng tiền mạnh khác, nhưng nó đã tăng giá so với VND trong suốt năm 2008 đến nay như chúng ta đã dự báo và hầu như không thể mất giá so với VND trong triển vọng hết năm 2009 này.

Ngoài ra, cũng chúng ta thấy rằng: "Đến nay, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 15% và tăng trưởng tín dụng 14%. Năm 2009, số lượng tiền phát hành mới để góp phần tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ phê duyệt cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ mới sử dụng 43%"[[3]]. Điều đó có nghĩa rằng NHNNVN vẫn luôn để ngỏ khả năng phát hành tiền mới thêm 57% của kế hoạch năm nữa. Một phần trong số này là in thêm để tăng tiền trong lưu thông (một phần nữa là để thay thế tiền hỏng). Phát hành thêm tiền là biện pháp cuối cùng và chỉ tác dụng cứu chữa trong ngắn hạn, lạm phát vì thế sẽ dâng lên và tỷ giá tăng, nhập siêu quay trở lại.

Cũng với phân tích này, chúng tôi dự báo rằng có khả năng NHNNVN sẽ tiếp tục nới rộng biên độ giao dịch đồng USD nhằm hỗ trợ thêm cho xuất khẩu vào cuối năm nay.


[1] Báo cáo báo cáo Triển vọng phát triển châu Á – www.adb.org

[2] World Bank (2009), Taking Stock, An Update on VietNam’s economic developments and reforms, Report for Consultative group meeting for VietNam, 06/2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét