Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2009

Về tăng trưởng tín dụng (bài cũ lưu lại)

Hà Nội, ngày 18/8/2009

VỀ TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG

Ngày 9 và 10/8/2009, các phương tiện truyền thông loan báo dư nợ nền kinh tế 7 tháng tăng 22,46% [[1]][[2]], bình quân tạm tính là 3,2%/tháng; trong khi dư nợ 6 tháng tăng 17,01% [[3]], bình quân tạm tính là 2,8%/tháng. Giả sử số liệu tăng tín dụng 7 tháng là đáng tin cậy, chúng ta thấy bộc lộ một số vấn đề xin được bàn luận như sau:

- Tốc độ tăng tín dụng của tháng 7 như vậy là quá nhanh và đột biến so với 6 tháng đầu năm. Chỉ riêng tháng 7, số dư nợ tăng thêm đã chiếm tương ứng tăng 5,66% so với dư nợ cuối năm 2008, gấp hơn 2 lần mức tăng bình quân tháng của 6 tháng đầu năm, gấp 1,78 lần mức tăng bình quân tháng của 7 tháng đầu năm. Mức tăng này có vẻ bất thường vì trong tháng 6 và tháng 7, hầu như không có biến động nào về chính sách có thể kích tăng tín dụng đến mức như vậy mà ngược lại, NHNNVN điều chỉnh giới hạn tăng trưởng cả năm 2009 từ 30% xuống còn 25%-27% (tức là khả năng tăng trưởng tín dụng bị giới hạn giảm). Hiện tại, chúng tôi chưa tìm được lý do nào giải thích sự tăng tín dụng bất thường này trong tháng 7/2009.

- Với mức tăng tín dụng này, dư địa còn lại cho tăng tín dụng của 5 tháng cuối năm 2009 trở nên rất ít ỏi, cụ thể ứng với các mức giới hạn tăng tín dụng cả năm 2009 như bảng dưới đây:


Tăng so với năm trước

Mức tăng còn lại 5 tháng 2009

1. Dư nợ nền kinh tế năm 2008 (tỷ đồng)

1.243.000


2. Dư nợ nền kinh tế 31/7/2009 (mức tăng)

22.67%


3. Các giả định dư nợ năm 2009



a. Mức tăng so với 2008: 30%

30%

7%

b. Mức tăng so với 2008: 27%

27%

4%

c. Mức tăng so với 2008: 25%

25%

2%

d. Giả sử dư nợ được bù lãi suất là dư nợ tăng thêm, dùng hết 1 tỷ USD để bù lãi suất

30%-34%

8%-12%

- Giả định 1 (Dòng 3a): Với mức giới hạn tăng tín dụng là 30% (như đầu năm đề ra) thì trong 5 tháng này, dư nợ chỉ có thể tăng thêm 7% (tương ứng với bình quân 1,4%/tháng);

- Giả định 2 (Dòng 3b): Với mức giới hạn tăng tín dụng là 27% (tối đa như điều chỉnh gần đây) thì trong 5 tháng này, dư nợ chỉ có thể tăng thêm 4% (tương ứng với bình quân 0,8%/tháng);

- Giả định 3 (Dòng 3c): Với mức giới hạn tăng tín dụng là 25% (trong phạm vi giới hạn mới điều chỉnh gần đây) thì trong 5 tháng này, dư nợ chỉ có thể tăng thêm 2% (tương ứng với bình quân 0,4%/tháng);

- Giả định 4 (Dòng 3d): Với giả định dư nợ tăng thêm là số vốn dự tính kích cầu bù lãi suất 4% (17.000 tỷ bù lãi suất 4% tương ứng với dư nợ tăng thêm tính sơ bộ khoảng 425.000 tỷ đồng), thì dư nợ 2009 tăng khoảng 34%. Lưu ý là tính đến 31/7/2008, dư nợ được bù lãi suất đã đạt tới gần 390.000 tỷ đồng, bằng gần 92% kế hoạch dư nợ tính bù lãi suất 4%. Mức còn lại (8%) của 5 tháng cuối năm như vậy là quá bé nhỏ so với 7 tháng đầu năm.

Xem xét 4 giả định trên, chúng ta thấy rằng tất cả các giả định 2, 3, 4 đều kém khả thi; lý do là nền kinh tế Việt Nam mang đậm tính mùa vụ, nhu cầu vốn và giải ngân thường đẩy cao vào những tháng cuối năm, do vậy, nếu bó hẹp mức tăng trưởng tín dụng theo các giả định này đều sẽ trở thành lực cản bó cứng các hoạt động của nền kinh tế trong bối cảnh vẫn chủ trương kích cầu hiện nay.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt nam, nền kinh tế mà tăng trưởng phụ thuộc vào vốn (Vốn đầu tư bình quân giai đoạn 2000-20089 bằng 38,4% GDP hàng năm) vì hiệu quả đầu tư chưa cao (ICOR của các năm 2007 và 2008 đều ở mức 5 và trên 5) nên phải tăng đầu tư mới hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (Hình 1).


Bổ sung thêm cho điều này, quan sát tăng trưởng tín dụng và GDP của Việt Nam giai đoạn 2000-2008 (Hình 2) cũng cho thấy sự đồng điệu giữa tăng trưởng GDP, tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ tín dụng/GDP; thực tế này cũng là hợp lý bởi một phần không nhỏ vốn đầu tư là vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên thị trường trong nước.


Như vậy, rõ ràng là nếu như tín dụng trong những tháng cuối năm 2009 bị giới hạn trong các mức tăng trưởng như phân tích ở trên thì mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm 2009 ở mức 5%-5,5% là rất khó khăn nếu Chính phủ không tăng chi tiêu công và các biện pháp kích thích khác mạnh mẽ. Chúng tôi xin đưa ra 2 kịch bản:

- Một là, người có thẩm quyền nào đó “đính chính” số liệu tăng tín dụng 7 tháng nêu trên và công bố số liệu nào đó “hợp lý” hơn.

- Hai là, (nếu mức tăng 7 tháng nêu trên được coi là đúng) mức giới hạn tăng tín dụng cả năm từ nay sẽ ít được cơ quan quản lý chuyên ngành nhắc đến hơn và tăng trưởng tín dụng của cả năm có lẽ phải 30% trở lên.


[1] http://stox.vn/stox/view_news_detail.asp?id=32776&menuID=1&categoryID=186

[2] VTV1, Bản tin “Việt Nam và các chỉ số”, 19h45 ngày10/08/2009

[3] http://www.navis.vn/Tin-Tuc.aspx?c=2&id=45484

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét